Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”

Admin
Không chỉ vỡ mộng với viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người còn bị lừa bán qua nước ngoài lao động bất hợp pháp, thường xuyên bị bóc lột sức lao động, đánh đập, bỏ đói,... thậm chí phải nộp tiền chuộc rất cao.

Nhiều người bị lừa bán sang nước ngoài

Thời gian gần đây, lợi dụng những thuận lợi trong thủ tục xuất cảnh và sự phát triển của các ứng dụng mạng xã hội, nhiều đối tượng đã tổ chức cho không ít công dân xuất cảnh công khai và hợp pháp thông qua những chiêu trò dụ dỗ. Các đối tượng không ngừng vẽ ra những viễn cảnh hấp dẫn với hình thức "việc nhẹ, lương cao" nhằm tuyển dụng lao động đi nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi ra nước ngoài, nhiều người phát hiện mình bị bỏ rơi, không có công việc ổn định, buộc phải cư trú, lao động trái phép, thậm chí bị lừa bán sang biên giới. Thực trạng này đã trở thành nỗi lo ngại cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ tháng 10/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 3 vụ việc bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia lao động trái phép.

Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”- Ảnh 1.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 7 công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động tại Campuchia.

Điển hình, vào tháng 10/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, những kẻ lừa đảo đã tiếp cận, dụ dỗ 2 cháu T.V.V. (17 tuổi), H.N.G.N. (15 tuổi, cùng trú tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) xuống Tp.Hồ Chí Minh, sau đó xuất cảnh sang Campuchia sẽ có người lo công việc với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tại Campuchia, 2 cháu nhỏ nói trên phải làm việc lừa đảo trên máy tính từ 8h đến 21h hằng ngày. Nếu muốn về nhà thì phải trả cho "công ty" hơn 17,6 triệu đồng. Sau khi gia đình nộp tiền, các đối tượng đã thả cho 2 cháu V. và N. về Việt Nam.

Tiếp đó, vào tháng 11/2023, qua ứng dụng messenger, 2 anh N.T.G. và H.V.B. (cùng trú tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được giới thiệu làm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại Campuchia với mức lương 20 triệu đồng trở lên. Sau đó, 2 người đàn ông này được "công ty" đưa đón từ Bến xe An Sương (Tp.Hồ Chí Minh) qua nhiều chặng dừng nghỉ, thay đổi nhiều phương tiện (ô tô, xe gắn máy, xuồng máy..).

Đến khi được đưa tới một dãy nhà tại Campuchia, 2 anh G. và B. mới biết bị lừa bán sang Campuchia để làm việc với nhiệm vụ là sử dụng tài khoản Facebook ảo để tìm kiếm đối tượng, lừa đảo qua mạng Internet. Tại Campuchia, 2 công dân này thường xuyên bị bóc lột về sức khỏe và tinh thần, nếu muốn trở về Việt Nam thì gia đình phải nộp tiền chuộc. Sau khi gia đình nộp tiền chuộc cho các đối tượng (khoảng 150 triệu đồng), 2 người đàn ông này mới được trở về Việt Nam, đoàn tụ cùng gia đình.

Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”- Ảnh 2.

Sau khi trở về nước, các nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.

Mới đây, ngày 24/7/2024, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Đắk Lắk) phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) tiếp nhận 7 công dân Việt Nam bị phía Campuchia trục xuất, trao trả do vi phạm quy định về lao động tại nước này.

Sau khi đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 5 công dân trong số 7 người nói trên bị 2 đối tượng gồm Trần Văn Tùng (32 tuổi) và Nguyễn Văn Vĩnh (37 tuổi, cùng trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) dụ dỗ, lừa sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 2 đối tượng Tùng và Vĩnh về hành vi mua bán người.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Trước tình hình trên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 văn bản (công văn 281 ngày 9/5/2024 và công văn số 472 ngày 1/8/2024) chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, quản lý công dân của địa phương xuất cảnh. Qua đó, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo người dân trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo với chiêu trò "việc nhẹ, lương cao".

Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”- Ảnh 3.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Đắk Lắk) hướng dẫn cho người dân về các thủ tục cấp hộ chiếu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Trưởng phòng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, quá trình phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi.

Theo đó, qua mạng xã hội hoặc các mối quan hệ quen biết, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người lao động qua Campuchia làm việc với tiêu chí "việc nhẹ, lượng cao". Nạn nhân mà các đối tượng nhắm vào có độ tuổi từ 18-35 tuổi, những người không có việc làm ổn định, tâm lý muốn có việc làm dễ dàng, thu nhập cao.

Khi đăng ký xin việc, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo hướng dẫn, đưa đón và cử người hỗ trợ nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu "online", thực hiện thủ tục xuất cảnh và đưa nạn nhân đến các cửa khẩu để xuất cảnh. Sau khi được đưa qua Campuchia, các nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng. Các công ty này, phần lớn do người nước ngoài thuê, làm chủ. Trong quá trình làm việc, nạn nhân được quản lý, giám sát chặt chẽ, không được đi lại, gần như ngừng liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài, bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày.

Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”- Ảnh 4.

Lực lượng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Đắk Lắk) tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Nếu không thực hiện đủ theo yêu cầu của các đối tượng thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, tra tấn, bỏ đói và yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền "chuộc" từ 3.000 - 20.000 USD mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi hoặc bị bán cho các công ty khác.

Thượng tá Nguyễn Trần Giang cho hay, tình trạng người dân xuất cảnh, lao động trái phép ở nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự tại địa phương; ảnh hưởng đến công tác quản lý cư trú, quản lý nhân khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện hình thành các đường dây tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Từ đó, để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân những người lao động trái phép, là nỗi đau cho gia đình, người thân và là hệ lụy của xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới.

Người dân cần cảnh giác để tránh bị sập "bẫy" lừa đảo

Theo dự báo của cơ quan công an, trong thời gian tới, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh hợp pháp, sau đó trốn ở lại lao động trái phép tại Campuchia (làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến) bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng, chống loại tội phạm này.

Hậu quả khôn lường từ ảo vọng xuất ngoại tìm “việc nhẹ, lương cao”- Ảnh 5.

Cơ quan công an cảnh báo nhiều hệ lụy từ ảo vọng xuất ngoại để tìm "việc nhẹ, lương cao".

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tỉnh táo, tránh những lời mời chào cơ hội "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội, nhất là lời mời chào công việc tại Campuchia. Đồng thời, tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín do các cơ quan nhà nước cho phép, giới thiệu trên mạng xã hội, nhất là lời mời chào công việc tại Campuchia.

Đắk Nông: Nhiều người dân trắng tay, khốn đốn vì ảo vọng sính ngoạiĐắk Nông: Nhiều người dân trắng tay, khốn đốn vì ảo vọng sính ngoạiĐỌC NGAY

Cơ quan công an cũng cảnh báo, việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài trái phép sẽ đẩy bản thân công dân vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, trở thành người vi phạm pháp luật ở nước sở tại, rất dễ bị chủ sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, chậm trả lương, thậm chí bị cướp, bị bạo hành. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, làm việc tạm bợ, không đảm bảo…nếu bỏ trốn hoặc bị bắt thì bị đánh đập, còn muốn nghỉ việc và rời khỏi thì phải nộp tiền chuộc rất cao, khó khăn trong việc liên hệ với cơ quan chức năng để xin "giải cứu".

Không chỉ vậy, khi lao động trái phép ở nước ngoài thì khả năng rất cao nạn nhân phải đối mặt với các rủi ro như: Bị trục xuất, mất cơ hội nhập cảnh trở lại, bị lực lượng chức năng bắt giữ, trao trả, phạt tiền; không được cơ quan chức năng bảo hộ...

Khánh Ngọc