Mỹ có kế hoạch bắt đầu thảo luận với các đồng minh châu Âu vào nửa cuối năm nay về việc giảm sự hiện diện quân sự của mình trên lục địa này, Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker cho biết hôm 16/5.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Estonia, ông Whitaker xác nhận rằng mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị tiến hành các kế hoạch đã được cân nhắc từ lâu.
"Chưa có quyết định nào được đưa ra. Nhưng ngay khi có, chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận về cơ cấu của NATO", ông Whitaker nói.
"Chắc chắn là sau hội nghị thượng đỉnh, vào thời điểm nào đó trong nửa cuối năm, chúng tôi sẽ bắt đầu những cuộc thảo luận đó… Tất cả các đồng minh của chúng tôi đều đã sẵn sàng thực hiện", vị quan chức Mỹ nói thêm, ám chỉ đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại The Hague, Hà Lan vào tháng 6.
Vị Đại sứ nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ thảo luận về bất kỳ sự thay đổi quân đội nào với các đồng minh để tránh khoảng trống an ninh.

Một đoàn xe lính dù Mỹ di chuyển đến Khu huấn luyện Hohenfels ở Đức để tham gia Cuộc tập trận Allied Spirit vào ngày 25/2/2025. Ảnh: Stars&Stripes
Hồi tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra ý tưởng rằng Mỹ có thể giảm số lượng quân đội của mình ở châu Âu.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nói với các đồng minh NATO rằng "thực tế chiến lược khắc nghiệt ngăn cản Mỹ tập trung chủ yếu vào an ninh của châu Âu".
Tạp chí The Atlantic hồi tháng 3 tiết lộ rằng ông Hegseth và Phó Tổng thống JD Vance đã chỉ trích chi tiêu quốc phòng của châu Âu trong một cuộc trò chuyện riêng tư.
Những bình luận như vậy đã làm gia tăng nỗi lo sợ của châu Âu về việc cam kết của Mỹ đối với NATO đang nhạt đi, cùng với lời đe dọa của ông Trump về việc không bảo vệ các thành viên chi quá ít cho quốc phòng, và việc Mỹ thay đổi cách tiếp cận đối với sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Đại sứ Whitaker cho biết Mỹ sẽ không rút lui: "Mỹ sẽ vẫn ở lại liên minh này, và chúng tôi sẽ là một người bạn tuyệt vời và một đồng minh tuyệt vời".
Vị quan chức Mỹ cũng cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) chớ có hạn chế sự tham gia của các công ty từ các quốc gia không phải là thành viên của khối này trong hoạt động mua sắm quốc phòng của châu Âu.
Theo ông, điều này sẽ làm suy yếu khả năng tương tác của NATO, làm chậm quá trình tái vũ trang của châu Âu, làm tăng chi phí và kìm hãm sự đổi mới.
Minh Đức (Theo Reuters, Kyiv Independent)