Ẩn trong gói viện trợ quân sự mới nhất của Vương quốc Anh cho Ukraine là việc đề cập đến một hệ thống phòng không mới, được gọi là Gravehawk.
Hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) Gravehawk – một cái tên lạ tai ngay cả đối với các nhà quan sát quốc phòng – dường như là một phần trong động thái của Kiev nhằm khai thác sự đổi mới quốc phòng nhanh chóng trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga.
Được công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Ukraine vào ngày 16/1, Gravehawk được mô tả là một "hệ thống phòng không di động" do Anh thiết kế, có kích thước bằng một container vận tải biển và có thể phóng tên lửa không đối không trong vai trò phòng không trên mặt đất.
Điều này có nghĩa là với Gravehawk, các lực lượng vũ trang Ukraine có thể sử dụng tên lửa đã có trong kho vũ khí của mình, giúp họ tránh được nguy cơ phải "dài cổ" chờ đợi các loại đạn dược mà các đồng minh cam kết chuyển giao.
Hai nguyên mẫu của hệ thống phòng không mới này đã được thử nghiệm tại Ukraine vào tháng 9/2024, và 15 hệ thống khác sẽ được chuyển giao vào năm 2025.
Thông tin chi tiết hơn về Gravehawk xuất hiện rất ít, với hầu hết thông tin kể trên đến từ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh.
Trang tin quân sự Militarnyi cung cấp thêm một số hình dung về hệ thống phòng không Gravehawk dựa trên dữ liệu có sẵn và các giả định hợp lý.
Thứ nhất, Gravehawk là hệ thống tên lửa phòng không được Anh và Đan Mạch đồng tài trợ để phát triển cấp tốc.
Thứ hai, Militarnyi lưu ý, đây không phải là một sự phát triển mới hoàn chỉnh, mà là sự tổng hợp các giải pháp đã có sẵn dựa trên tên lửa không đối không.
Điều này có thể bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không mà Anh đã chuyển giao cho Ukraine dựa trên tên lửa AIM-132 ASRAAM, với bệ phóng của tên lửa này được lắp trên khung gầm Supacat HMT.
Theo thiết kế ban đầu, tên lửa AIM-132 nặng 88 kg, dài 2.900 mm và có đường kính thân là 166 mm.
Khi phóng từ máy bay, những tên lửa như vậy thường có tầm bắn lên tới 25 km. Tuy nhiên, tầm bắn của chúng giảm đáng kể khi bắn từ bệ phóng trên mặt đất.
Tuy nhiên, khả năng với tên lửa AIM-132 là không cao. Trang Militarnyi cho rằng tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh ám chỉ nhiều hơn đến tên lửa được sản xuất tại Ukraine và được Không quân Ukraine sử dụng.
Với khả năng này, ứng cử viên hàng đầu là tên lửa không đối không R-27 hoặc R-73 từ thời Liên Xô. Ví dụ, R-73 đã được tích hợp thành công vào hệ thống SAM Osa với sự hỗ trợ của Quỹ Come Back Alive.
Trọng tâm chủ yếu là tên lửa R-27, có nhiều cấu hình khác nhau, bao gồm các phiên bản có radar bán chủ động và hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Mặc dù đã có những nỗ lực phát triển các biến thể có dẫn đường thụ động và chủ động, nhưng kết quả của những sáng kiến này vẫn chưa được biết đến.
Theo trang Army Technology, ứng cử viên sáng giá nữa có thể tích hợp vào hệ thống phòng không Gravehawk là tên lửa AIM-9X – vốn được sử dụng trong hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, cũng được các nước NATO cung cấp cho Ukraine.
Ngoài ra còn có thể là tên lửa AIM-120 AMRAAM, tên lửa AIM-7 hay tên lửa AIM-9 có nguồn gốc từ Mỹ.
Minh Đức (Theo Militarnyi, Army Technology)