Hỗ trợ ngư dân trồng cây “siêu thực phẩm”, giải pháp hồi sinh “vùng chết” ven biển sau bão số 3

Admin
Để hồi sinh ngành nuôi trồng thủy sản sau khi bị bão số 3 cuốn trôi 2.500 tỷ đồng, ngư dân được hỗ trợ 1 triệu cây “siêu thực phẩm” để tái phục hồi sản xuất mà không cần bỏ ra quá nhiều chi phí.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề; trong đó có nông nghiệp. Đây là giai đoạn quan trọng về hỗ trợ để cùng bà con khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thực phẩm cuối năm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị phục hồi trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển ở Hải Phòng hoặc Quảng Ninh; chăn nuôi ở Lào Cai, theo báo Tin tức.

Thứ trưởng tin tưởng với sự chia sẻ của cả hệ thống chính trị, bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ sớm khôi phục được sản xuất, duy trì được đà tăng trưởng trong năm nay và các năm tiếp theo.

Hỗ trợ ngư dân trồng cây “siêu thực phẩm”, giải pháp hồi sinh “vùng chết” ven biển sau bão số 3- Ảnh 1.

Hội nghị kêu gọi hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.Ảnh: Bích Hồng/bnews.vn/TTXVN.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tổng hợp từ 21 tỉnh, thành phố, đến nay, tình hình thiệt hại chưa dừng lại, do nhiều nơi chưa tiếp cận được để thống kê. Tỉnh, thành phố có thiệt hại lớn nhất là Hải Phòng - đây cũng là địa phương thiệt hại lớn về nuôi trồng thuỷ sản; tiếp đến là Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội…

Qua các chuyến của đoàn công tác, nông dân đều mong muốn được hỗ trợ thiệt hại theo quy định nhà nước. Cùng với đó là sự hỗ trợ về hoá chất tiêu độc khử trùng để vệ sinh chuồng trại, môi trường; con giống, thuốc thú y phòng bệnh, vốn… Cục Chăn nuôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp  về con giống và thức ăn chăn nuôi.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản chia sẻ, nhu cầu tái thiết lại lồng bè mới, hoá chất xử lý môi trường đối với bà con nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Hiện nhiều doanh nghiệp cam kết hỗ trợ tái thiết lồng bè, nguồn giống rong biển… Ông Luân cũng mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ cả về kỹ thuật nuôi trồng để làm sao tái thiết từng bước hiệu quả, để nông dân có được nguồn thu sớm, đặc biệt là cho cuối năm và Tết.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chia sẻ, hiệp hội cũng đã tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp thành viên được gần 250 triệu đồng. Hiệp hội đã chuyển khoản thẳng số tiền này cho các hợp tác xã, doanh nghiệp là hội viên ở Quảng Ninh bị thiệt hại.

Nói về định hướng khôi phục sản xuất trong nuôi biển, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nhất quyết không thể nuôi biển theo kiểu cũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu nuôi kiểu mới thì cần sự hỗ trợ theo kiểu đó.

Ông Dũng nêu vấn đề, địa phương cần giao vùng biển nuôi nhanh chóng cho người dân; cùng với đó quy chuẩn cho các cơ sở nuôi. Người dân khi nuôi phải đầu tư, thực hiện theo để giảm thiệt hại khi có thiên tai. Vì không chỉ có cơn bão vừa qua mà tương lai sẽ còn nhiều cơn bão khác. Đây là cơ hội cho cấu trúc lại nghề nuôi biển.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, nếu bà con được tái sản xuất vào vùng biển được cấp thì sẽ yên tâm để đầu tư mới; chỉ số “hạnh phúc - niềm tin” của bà con sau cơn bão sẽ cao hơn.

Bà Bình cũng chia sẻ, cơn bão số 3 vừa qua khiến doanh nghiệp lớn như của bà cũng bị mất cả lồng nuôi. Bên cạnh sự đầu tư về công nghệ lồng nuôi thì cần tích hợp công nghệ để tìm kiếm lại được lồng khi có thiên tai, do đó rất cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ định vị lồng nuôi.

Về cách tiếp nhận và xử lý hàng hóa ủng hộ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nên chở hàng trực tiếp đến địa phương có nhu cầu, cùng với đó là hỗ trợ về kỹ thuật.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng kiến nghị, ngoài chính sách tín dụng các ngân hàng đã công bố về hoãn, giản nợ, giảm lãi suất…, đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho vay mới phù hợp với chu kỳ sản xuất của đối tượng nuôi đó. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nghiên cứu, có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về miễn giảm một số loại thuế, phí… cho doanh nghiệp, hợp tác xã…; gia hạn việc nộp thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp từ 6 - 12 tháng.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Cục Thuỷ sản đề xuất đến việc hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình để có điều kiện khôi phục sản xuất. Đặc biệt, phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển bền vững hơn.

Ngoài ra, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất sau mưa bão sẽ tăng cao.

"Lo lắng nhất sau bão và mưa lũ là dịch bệnh vì các loại mầm bệnh tồn tại trong môi trường và đàn vật nuôi rất nhiều, có nguy cơ sẽ phát tán và lây lan", Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long nêu vấn đề, thông tin trên VietNamNet.

Hỗ trợ ngư dân trồng cây “siêu thực phẩm”, giải pháp hồi sinh “vùng chết” ven biển sau bão số 3- Ảnh 2.

Nông dân Quảng Ninh được hỗ trợ 1 triệu cây giống rong biển, còn gọi là cây siêu thực phẩm, tương đương 10 tỷ đồng để phục hồi sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản.

Là một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn, ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc Công ty TNHH DBLP (tỉnh Phú Yên) chia sẻ, công ty sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu cây giống rong biển cho ngư dân Quảng Ninh, tương đương 10 tỷ đồng. Đây là đối tượng nuôi sẽ không tốn nhiều tiền đầu tư như lĩnh vực nuôi trồng khác mà thu hồi vốn nhanh, khoảng 6 tháng là có sản phẩm thu hoạch.

Ông Đỗ Linh Phương cho biết thêm, hiện tại ở Việt Nam, nguồn cung rong biển không đủ cầu, riêng công ty có đơn hàng cung cấp 1.000 tấn rong khô/năm để sản xuất thạch rau câu. Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Tính đến ngày 21/9, các mạnh thường quân, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn nuôi trồng thủy sản, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường, hóa chất vệ sinh chuồng trại… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ qua Cục Thủy sản tương đương số tiền trên 84,6 tỷ đồng; Cục Thú y là gần 2,4 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ, đến 17h ngày 18/9, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết, trong đó 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội và Thái Nguyên.

Báo cáo của các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị hư hại, cuốn trôi khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại ban đầu về nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

KHÁNH LINH (t/h)