Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống dịp xuân về

Admin
(PNTĐ) - Ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân làng Thị Cấm phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm lại cùng nhau có mặt tại đình làng để tham gia “Hội kéo lửa, thổi cơm thi” truyền thống. Đây là phong tục có từ lâu đời vào mỗi dịp xuân về để cầu chúc cho người dân một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an.

Theo truyền thuyết, tướng quân Phan Tây Nhạc là Bộ tướng của Tản viên sơn (Sơn Tinh) đời vua Hùng Duệ Vương (Hùng vương thứ 18) thống lĩnh quân đội tiên phong đánh giặc Thục. Khi dẫn quân qua làng Hương Canh (Thị Cấm ngày nay), bà Hoa Dung công chúa - vợ ông cùng dân làng xin được đi theo phục vụ quân đội. Nhạc tướng quân bèn ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn những người giỏi công việc hậu cần đi phục vụ quân binh.

Để thể hiện tài năng của mình, bà Hoa Dung công chúa không lấy gạo của kho lương mà truyền cho dân mang thóc ra giã thành gạo, kéo giang tre ra lửa và qua sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm. Sau khi ông qua đời, để nhớ công ơn Người đánh giặc cho nhân dân được sống yên bình, nên hằng năm dân làng đã chọn ngày đầu Xuân tức ngày 8 tháng Giêng âm lịch mở hội “Trò triềng” để nấu cơm thi, ôn lại truyền thống đánh giặc của đất nước, tổ tiên ta.

Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống dịp xuân về - ảnh 1
Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống dịp xuân về ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm

Quy định của cuộc thi, làng có 4 giáp: giáp Đoài Nhất, giáp Đoài Nhì, giáp Trung và giáp Đông, mỗi giáp cử ra 10 nam nữ được phân công như sau; 4 người giã thóc thành gạo, 1 người sàng dần cho sạch gạo trấu, muội, cám, 2 người kéo giang lấy lửa, 1 người chạy đi lấy nước và 2 người nấu cơm. Tất cả những người dự thi đều chít khăn xanh, đỏ, vàng, tím và thắt lưng cùng màu để dễ bề phân biệt các giáp. Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa), người chủ tế vào Đình làm lễ động thổ, nổi hồi trống báo hiệu cuộc thi bắt đầu. Mọi công việc của từng giáp đã chuẩn bị xong, tất cả đều hướng vào trong Đình lễ Thánh rồi Hội thi mới bắt đầu. Từng phần thi đều được làm đồng thời. Ban giám khảo cuộc thi bao gồm chủ tế và các cụ có uy tín được người dân trong làng cử ra, mặc áo thụng, giám sát cuộc thi.

 
Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống dịp xuân về - ảnh 2
10 nam nữ được phân công như sau; 4 người giã thóc thành gạo, 1 người sàng dần cho sạch gạo trấu, muội, cám, 2 người kéo giang lấy lửa,1 người chạy đi lấy nước và 2 người nấu cơm. 

Cự ly chạy lấy nước cách nơi diễn ra cuộc thi 500m, người nào mang nước về trước là thắng phần thi này. Suốt thời gian cho thóc vào giã đến lúc nấu cơm chín được quy định chỉ có 50 phút, phần gạo của giáp nào giã xong trước, trắng, sạch là đạt. Cơm sau khi nấu chín, 4 giáp đều xới cơm vào 4 bát đặt vào mâm đồng, dâng lễ thánh xong mới bình giải, cơm ngon và dẻo là đạt. Sau khi cơm cạn, 4 giáp tạo ra 8 đống tro trơm, trong đó chỉ có 1 đống có vùi nồi cơm để nghi binh mục đích kéo dài thời gian tìm kiếm nồi cơm của Ban Giám Khảo. Những dụng cụ như nồi đồng nhỏ để nấu cơm, bình đồng đựng nước vẫn được người dân Thị Cấm giữ lại cho đến nay.

 
Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống dịp xuân về - ảnh 3
Xưa kia, nấu cơm thi để tuyển chọn những người giỏi công việc hậu cần đi phục vụ quân binh.

Với giá trị tiêu biểu, Hội thổi cơm thi Thị Cấm đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021.