Hơn 10.200 đối tượng phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong năm 2024

Admin
Năm 2024, cơ quan điều tra trong CAND đã phát hiện gần 5.700 vụ với hơn 10.200 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chiều 31/12, tại buổi Thông báo kết quả phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024.

Hơn 10.200 đối tượng phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong năm 2024- Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an.

6 bị can trong vụ án tại SJC bị khởi tố 2 tội danh

Liên quan đến vụ án tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, ngày 16/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) và các đơn vị có liên quan. Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 6 bị can về 2 tội danh: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm:

Nhóm bị can bị khởi tố về tội danh Tham ô tài sản (2 bị can): Hoàng Lệ Huê, sinh năm 1976, Giám đốc Chi nhánh Miền Trung, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1988, kế toán Chi nhánh Miền Trung, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Nhóm bị can bị khởi tố về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (4 bị can): Lê Thúy Hằng, sinh năm 1970, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); Mai Quốc Uy Viễn, sinh năm 1964, Giám đốc xưởng vàng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); Trần Tấn Phát, sinh năm 1983, Phó Giám đốc xưởng vàng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1977, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Kết quả điều tra bước đầu thể hiện, các bị can đã lợi dụng việc mua, bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính. Cơ quan điều tra đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ đối với các bị can, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra và rà soát, xác minh, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Phát hiện gần 5.700 vụ với hơn 10.200 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ

Về kết quả điều tra làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn: Năm 2024, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng với nhiều kết quả quan trọng (từ ngày 15/12/2023 đến 14/12/2024, cơ quan điều tra trong CAND đã phát hiện gần 5.700 vụ với hơn 10.200 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Trong đó, gần 1.000 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, tăng gần 14% so với năm 2023; với hơn 2.200 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ, tăng 5% so với năm 2023.

Đặc biệt là trong năm 2024, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Phúc Sơn, Thuận An... Bên cạnh đó, lực lượng công an đã chủ động nhận diện, phát hiện các nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân trên nhiều lĩnh vực; qua đó đã khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng... (điển hình như vụ án gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh; vụ án để dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).

Qua điều tra các vụ án, Bộ Công an đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lãnh đạo, chỉ đạo đường lối xử lý đảm bảo khách quan, toàn diện, nhân văn đối với các vụ án, vụ việc. Trong đó đặc biệt là đã tham mưu các giải pháp xử lý tài sản, vật chứng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của đất nước, cá nhân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời cũng đã kiến nghị những giải pháp quan trọng, chiến lược, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiết kiệm được các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Bắt đối tượng giả danh công an xã phá cửa, cướp tài sảnBắt đối tượng giả danh công an xã phá cửa, cướp tài sảnĐỌC NGAY

Thời gian tới, bên cạnh việc xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thì công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí cũng sẽ được Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nhận diện các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của Nhà nước, nhân dân. Từ đó, đã tham mưu đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí. Đồng thời, Bộ Công an sẽ tập trung xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra làm rõ bản chất, ngăn chặn kịp thời các vụ án, vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Hải Vân