Iron Beam: Loại vũ khí “nghe như khoa học viễn tưởng mà hóa ra có thật”

Admin
Hệ thống Iron Beam của Israel sử dụng công nghệ laser để cắt xuyên qua các mục tiêu trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái (UAV/drone).

Israel là quốc gia sở hữu rất nhiều vũ khí tối tân, trong đó bao gồm loại vũ khí laser được đánh giá là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" có tên gọi Iron Beam do gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Rafael của quốc gia Do Thái nghiên cứu, phát triển và sản xuất.

Ông Yoav Tourgeman, CEO của Rafael Advanced Defense Systems Ltd., nói với trang Globes của Israel hôm 28/8 rằng loại vũ khí này – là một phần của hệ thống phòng không Iron Beam – dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm sau, như đã thông báo trước đó.

"Iron Beam chỉ là một trong những công trình đang tiến triển với tốc độ tốt và có những đột phá về công nghệ toàn cầu", ông Tourgeman nhấn mạnh.

Theo đó, Iron Beam được thiết kế để tích hợp vào mạng lưới phòng không hiện tại mà Israel đang sở hữu chứ không phải thay thế các hệ thống hiện có. Những hệ thống này bao gồm Iron Dome (Vòm Sắt) nổi tiếng, David’s Sling và Arrow 3 tầm xa.

Iron Beam: Loại vũ khí “nghe như khoa học viễn tưởng mà hóa ra có thật”- Ảnh 1.

Hệ thống vũ khí laser Iron Beam của Israel. Ảnh: Breaking Defense

Iron Beam: Loại vũ khí “nghe như khoa học viễn tưởng mà hóa ra có thật”- Ảnh 2.

Giống như một lưỡi kiếm huyền thoại, Iron Beam sử dụng tia laser để cắt xuyên qua các mục tiêu trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái (UAV/drone). Ảnh: The Economist

Iron Beam: Loại vũ khí “nghe như khoa học viễn tưởng mà hóa ra có thật”- Ảnh 3.

Thủ tướng Israel khi đó Naftali Bennett (trái) xem xét hệ thống phòng thủ laser Iron Beam trong chuyến thăm cơ sở của Rafael ở miền Bắc Israel, ngày 31/5/2022. Ảnh: Forbes

Iron Beam sử dụng công nghệ laser, giống như một lưỡi kiếm huyền thoại, để cắt xuyên qua các mục tiêu trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái (UAV/drone).

Tia laser năng lượng cao 100 kilowatt được thiết kế để đánh bại nhiều mối đe dọa khác nhau và tấn công các mục tiêu cách xa "vài trăm m đến vài km", hãng Rafael cho biết trên trang web của mình.

"Các mối đe dọa trên không đang trở nên ngày càng tinh vi – bao gồm súng cối, tên lửa, UAV cũng như các bầy đàn drone mini phiền nhiễu. Vì các hệ thống đánh chặn Kinetic hiện tại rất đắt tiền và không phải lúc nào cũng đủ để chống lại một số mối đe dọa này, nên cần có các giải pháp mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của thực tế mới", công ty cho biết.

Theo các quan chức Israel, loại vũ khí này đã được thử nghiệm thành công vào năm 2022. Hệ thống này dự kiến sẽ được Quân đội Israel đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025.

Vũ khí năng lượng định hướng được coi là có lợi cho việc phòng thủ tên lửa và phòng không vì chúng tương đối rẻ cho mỗi phát bắn so với các tên lửa đánh chặn truyền thống và chúng sở hữu băng đạn gần như không giới hạn.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Điểm yếu của IsraelĐiểm yếu của Israel
Tham khảo thêm
Tin tức thế giới 24 giờ: Israel nêu mục tiêu ở mặt trận phía BắcTin tức thế giới 24 giờ: Israel nêu mục tiêu ở mặt trận phía Bắc

Vào năm 2022, Thủ tướng Israel khi đó là ông Naftali Bennett đã gọi Iron Beam là "yếu tố thay đổi cuộc chơi", nói rằng mặc dù nó nghe giống như khoa học viễn tưởng nhưng hóa ra nó có thật.

Các quốc gia khác, bao gồm cả Vương quốc Anh, cũng đang phát triển các hệ thống tương tự. Đầu năm nay, Vương quốc Anh đã thử nghiệm thành công vũ khí laser DragonFire.

Ông James Black, trợ lý giám đốc nhóm nghiên cứu quốc phòng và an ninh tại tổ chức nghiên cứu RAND Europe nói với Newsweek rằng, Iron Beam sẽ không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ của Israel mà còn chứng minh tính hiệu quả của vũ khí năng lượng định hướng, giúp Israel trở thành quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng loại vũ khí mới này, và có khả năng xuất khẩu Iron Beam sang những nơi mà quân đội ở đó đang tìm kiếm các hệ thống tương tự.

Ví dụ, Mỹ đã phân bổ 1,2 tỷ USD để phát triển Iron Beam đồng thời theo đuổi các dự án laser của chính mình. Quân đội Mỹ đã đề xuất khả năng mua sắm Iron Beam nếu loại vũ khí này thực sự được ứng dụng thành công vào thực chiến.

Minh Đức (Theo Defense Scoop, Eurasia Review, Globes)