Kết nối TP. Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành bằng tàu thủy cao tốc là ý tưởng hay

Admin
(Tạp chí Du lịch) - Tích hợp tàu thủy cao tốc vào các loại hình giao thông hiện hữu của TP. Hồ Chí Minh chẳng những giúp việc di chuyển đến sân bay Long Thành thuận tiện hơn mà còn có thể thúc đẩy kinh tế địa phương một cách đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và bán lẻ. Đây là nhận định của các chuyên gia từ Đại học RMIT Việt Nam.

Sân bay Long Thành đặt tại tỉnh Đồng Nai cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40km về phía Đông hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa đưa ra dự thảo gồm ba phương án đường thủy nhằm kết nối thành phố với sân bay Long Thành gồm: Tàu thủy cao tốc chở khách từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến du thuyền Swan Bay ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) và tiếp tục di chuyển bằng đường bộ đến sân bay; bến tàu khách ngang sông mới từ phà Phước Khánh (Nhà Bè) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); và tăng công suất khai thác bến phà Cát Lái hiện có. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Tích hợp tàu thủy cao tốc vào các loại hình giao thông hiện hữu của TP. Hồ Chí Minh chẳng những giúp việc di chuyển đến sân bay Long Thành thuận tiện hơn mà còn có thể thúc đẩy kinh tế địa phương một cách đáng kể.

TP. Hồ Chí Minh có hơn 900km đường thủy và 50% mạng lưới đường bộ tương thích với giao thông đường thủy. Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch liền kề liên kết với nhiều tỉnh, thành nhưng cả giao thông lẫn du lịch đường thủy trong khu vực vẫn chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh dự thảo trên, Chính phủ cũng đang tính toán mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây, cũng như mở thêm tuyến đường sắt kết nối thành phố và sân bay.

Tối đa hóa lợi ích kinh tế

Góp ý cho dự thảo này, Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics thuộc Khoa Kinh doanh, RMIT Việt Nam cho biết ông cổ vũ sáng kiến tàu thủy cao tốc. “Đưa tàu cao tốc vào hệ thống giao thông đường thủy và mở rộng vận tải hàng hóa đường thủy sẽ thay đổi bộ mặt giao thông và mặt bằng kinh tế của thành phố” - Tiến sĩ Majo George nói.

Đồng thời, ông nhận định: Phương thức vận tải tiến bộ này có tiềm năng kinh tế đáng kể. TP. Hồ Chí Minh có thể giảm bớt chi phí logistics trong hoạt động kinh doanh và giảm tắc nghẽn giao thông bằng cách chuyển một phần đáng kể của vận tải hành khách và container từ đường bộ sang đường thủy. Thay đổi này còn giảm khả năng lỡ chuyến bay của hành khách do kẹt xe, tăng hiệu quả cho sân bay cũng như mạng lưới giao thông tổng thể của thành phố.

Ngoài mục đích vận chuyển hành khách, sáng kiến này còn mang lại lợi ích cho vận tải bằng tàu thủy. Sử dụng đường thủy cho cả vận tải hành khách và hàng hóa sẽ tối đa hóa lợi ích kinh tế và nâng cao hiệu quả tổng thể cho mạng lưới giao thông của thành phố. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, logistics hiệu quả được xem là chìa khóa cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Sáng kiến này vấp phải một số thách thức như chi phí cơ sở hạ tầng cao và rủi ro hoạt động do điều kiện thời tiết. Triển khai dịch vụ tàu thủy cao tốc đòi hỏi phải lập kế hoạch tỉ mỉ và đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, bao gồm thiết bị cầu cảng và các biện pháp an toàn hàng hải.

Do đó, Tiến sĩ George lưu ý rằng để có được nguồn tiền cho dự án đầy tham vọng này sẽ cần phương án tiếp cận đa diện, tận dụng các nguồn đầu tư khác nhau. Các kênh tài trợ tiềm năng gồm: FDI – đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể mang đến nguồn vốn đáng kể cũng như chuyên môn quốc tế, mô hình BTO – xây dựng, chuyển giao, vận hành cho phép các nhà đầu tư cá nhân tài trợ xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng trước khi chuyển giao quyền sở hữu cho Chính phủ, và PPP – quan hệ đối tác công tư kết hợp đầu tư tư nhân cùng chuyên môn vận hành với hỗ trợ pháp lý của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước khác và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á có thể đem đến hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua các khoản tài trợ, cho vay hoặc hỗ trợ chuyên môn.

Sẽ lÃhải trình đẹp nhÆ° tranh vẽ đối với du khách

Đứng ở góc độ du lịch, Tiến sĩ Nuno Ribeiro, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh (ĐH RMIT Việt Nam), Phó Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn EuroCham Việt Nam cho biết, từ góc độ phát triển du lịch, kết nối thành phố với sân bay Long Thành bằng đường thủy đem đến những lợi thế nhất định. Các sáng kiến tương tự đã được triển khai thành công ở những điểm đến gần đường thủy khác, chẳng hạn như Bangkok và Siam Reap (Thái Lan), Hồng Kông, Kobe/Kansai (Nhật Bản) và Lofoten (Na Uy).

“Với dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam trong những năm tới, tôi hoan nghênh sáng kiến này. Tàu thủy cao tốc sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả cho khách đi sân bay qua những con đường tắc nghẽn của thành phố và giúp di chuyển nhanh chóng hơn giữa các điểm đến, chẳng hạn như giữa quận 1, 4 và 2. Nâng cao khả năng tiếp cận các điểm du lịch chính sẽ giúp du khách tham quan thuận tiện hơn, tăng mức độ hài lòng của họ” - Tiến sĩ Ribeiro nói.

Giao thông nhanh chóng, thoải mái và đáng tin cậy là những yếu tố không thể thiếu cho sự thành công của du lịch Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy kết nối giữa vận tải và du lịch là một trong những mối quan hệ quan trọng hơn cả trong hệ thống du lịch.

Tàu thủy cao tốc thải ra ít chất ô nhiễm trên mỗi hành khách trên mỗi dặm di chuyển hơn so với xe buýt và taxi, giúp giảm lượng khí thải carbon cho thành phố và giải quyết các mối quan ngại liên quan đến phát triển du lịch bền vững. Các tuyến đường tuyệt đẹp dọc dòng sông mang tính biểu tượng của thành phố và các khu phố cao cấp mang lại giá trị thư giãn giải trí, biến những chuyến tham quan thành những hải trình đẹp như tranh vẽ. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào hình ảnh điểm đến cho thành phố và tăng tỉ lệ quay lại của du khách.

Cần tích hợp các công nghệ tiên tiến để kết nối thuận tiện, hiệu quả

Trên phương diện nghiên cứu, Phó giáo sư Đinh Ngọc Minh, Phó Trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (ĐH RMIT Việt Nam) nhấn mạnh rằng, cần xem xét cẩn thận khía cạnh công nghệ của sáng kiến này.

“Triển khai hệ thống giao thông đường thủy tốc độ cao giữa TP. Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành đòi hỏi phải tích hợp các công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính hiệu quả, thuận tiện và kết nối. Sử dụng công nghệ thẻ thông minh như thẻ Octopus của Hồng Kông có thể nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng và hợp lý hóa hoạt động”, Phó Giáo sư Minh nói.

Ông nêu bật một số ưu điểm của công nghệ thẻ thông minh, bao gồm kết nối liền mạch, tăng cường bảo mật, và thu thập và quản lý dữ liệu hiệu quả. Thẻ thông minh cho phép di chuyển dễ dàng giữa các mô hình vận tải khác nhau, chẳng hạn như xe buýt, tàu và thuyền, loại bỏ việc phải mua nhiều loại vé và đơn giản hóa trải nghiệm của hành khách. Thẻ thông minh cung cấp các tính năng bảo mật mạnh mẽ, bao gồm xác thực sinh trắc học để bảo vệ dữ liệu người dùng và giảm rủi ro gian lận. Ngoài ra, thẻ thông minh thu thập dữ liệu có giá trị về mô hình dịch chuyển và khuynh hướng đi lại của hành khách, có thể dùng để tối ưu hóa các tuyến đường, cải thiện dịch vụ và tăng hiệu quả hoạt động.

Thẻ thông minh còn có thể dùng để mua hàng, truy cập các cơ sở công cộng và điểm du lịch, cũng như các dịch vụ khác. Tính linh hoạt này làm tăng thêm tiện ích của thẻ và khuyến khích áp dụng rộng rãi. Một số thành phố trên thế giới, chẳng hạn như Hong Kong, Singapore và London, đã triển khai thành công các hệ thống thẻ hiện đại, chứng minh tính hiệu quả và lợi ích của chúng.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, triển khai hệ thống thẻ thông minh sẽ đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan quản lý vận tải, ngân hàng và nhà bán lẻ. Hệ thống phải thân thiện với người dùng, an toàn và tương thích với cơ sở hạ tầng hiện có. Tích hợp công nghệ thẻ thông minh hiện đại vào hệ thống tàu thủy của TP. Hồ Chí Minh và các dịch vụ vận tải khác có thể nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng và thúc đẩy phát triển bền vững.

“Tận dụng các tuyến đường thủy, dự án cấp tiến này có thể thay đổi cách người dân và du khách đi lại trong thành phố. Với việc lập kế hoạch và triển khai cẩn trọng, thành phố có thể thiết lập một chuẩn mực mới cho giao thông đô thị ở Việt Nam và hơn thế nữa, đồng thời bắt tay vào hành trình chuyển đổi hướng tới một tương lai thông minh và bền vững hơn”, Tiến sĩ Ribeiro kết lời.

Ngọc Hoa

 

Â