Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết ngày 15/12/2024, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cùng Công an tỉnh Đắk Lắk lấy mẫu tại 6 cơ sở làm giá đỗ. Tổng cộng, 35 mẫu giá đỗ đã được thu thập.
Đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ. Ngày 25/12/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và lệnh bắt bị can để tạm giam với 4 chủ cơ sở trên. Hiện nay, các vụ án đang được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh đã được yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ nhập từ các đơn vị sai phạm và tiêu hủy 343kg sản phẩm. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã cấp cho Công ty TNHH Lâm Đạo, đơn vị cung cấp cho Bách Hóa Xanh 300-400kg giá đỗ/ngày.
Cùng với đó, Sở cũng đề xuất UBND tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trước thông tin trên, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, việc xử lý hình sự vụ việc trên đã cho thấy rõ ràng là không thiếu công cụ pháp lý.
"Một trong những nhiệm vụ của thanh tra là phát hiện sơ hở trong quy định; chỉ ra các điểm còn chưa hợp lý, bất cập trong các quy định. Từ đó, tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật", đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT nhìn nhận việc giám sát và kiểm tra đầu vào tại các chuỗi phân phối, như Bách Hóa Xanh, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Điều này đòi hỏi cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị quản lý và các bên liên quan để kiểm tra định kỳ và đột xuất một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, nguồn lực của tất cả các cơ quan Trung ương, địa phương hiện nay chưa thể nào kiểm tra, giám sát được hết các cơ sở thuộc diện phạm vi quản lý. Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định vai trò và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất. Cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu thực hiện việc hậu kiểm, nhưng với nguồn lực hiện tại, không thể đảm bảo được hiệu quả giám sát 100%.
Ngoài ra, ông Phong cho hay, một số Sở NN&PTNT cũng kiến nghị cần kiểm tra và chứng nhận các lô sản xuất trước khi đưa ra thị trường. Nếu bất kỳ khâu nào bị bỏ sót, nguy cơ xảy ra sai phạm sẽ tăng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định: "Đây là hành vi cố tình vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và việc khởi tố là hoàn toàn chính xác. Các cơ quan liên quan có nhiệm vụ rà soát lại toàn bộ chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến phân phối, nhằm phát hiện và khắc phục các kẽ hở về quản lý an toàn thực phẩm".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Với trách nhiệm quản lý nhà nước, địa phương cần rà soát lại cơ chế, sự phối hợp trong quản lý, giám sát giữa các bên liên quan để chấn chỉnh nếu có kẽ hở. Địa phương rà soát lại chuỗi cung ứng từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiêu thụ; sự tăng cường phối hợp trong thanh kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
Sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Đắk Lắk cũng như các địa phương khác cần rà soát các quy định, nếu cần thiết thì kiến nghị bổ sung các quy định để tăng trách nhiệm các bên liên quan.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, ngành nông nghiệp kiểm soát về an toàn thực phẩm, không kiểm soát về kinh doanh. Nếu hai đơn vị cùng sản xuất, kinh doanh một sản phẩm ra thị trường thì phải có trách nhiệm đảm bảo về an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc.
"Cơ quan chức năng nhà nước không thể kiểm tra 100% các cơ sở sản xuất, các sản phẩm ra thị trường. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất sản phẩm là phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối, tiêu thụ trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đỗ Hương