Tin liên quan
Báo chí trăn trở xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số
Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Nỗ lực tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Tạp chí Người Hà Nội có chặng đường phát triển gần 40 năm từ một tập sáng tác rồi trở thành một tờ tuần báo và hiện nay là tạp chí, Người Hà Nội luôn nỗ lực cố gắng phát huy tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, mang đến cho bạn đọc những thông tin phong phú, phản ánh đời sống văn học nghệ thuật Thủ đô, nhịp sống của Hà Nội hôm nay cũng như giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên bản sắc Hà Nội; góp phần đáng kể vào việc thực hiện định hướng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành phố.
Không chỉ nỗ lực tạo sự phong phú cho ấn phẩm bằng những thông tin đa dạng, thiết thực, Người Hà Nội còn tích cực đổi mới, làm phong phú thêm các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về xây dựng văn hóa , người Hà Nội thanh lịch văn minh. Có thể kể tới chuyên trang “Thăng Long - Hà Nội” với các chuyên mục “Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội”, “Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội”, “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội”, “Ký ức Hà Nội”, “Người Hà Nội thanh lịch văn minh”, “Sáng tạo và cống hiến”, “Người tốt việc tốt”...
Để công tác tuyên truyền xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng đa dạng, hiệu quả, Tạp chí Người Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh chuyên trang “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” trên cả ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử. Các bài viết trên chuyên trang này đã tập trung nêu bật được nét hào hoa thanh lịch của người Hà Nội từ nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hằng ngày, cách nói năng, văn hóa ứng xử qua đó góp phần khắc họa một Hà Nội thanh lịch, một Hà Nội với bề dày văn hóa của một kinh đô hơn nghìn năm tuổi. Đó là những sinh hoạt lễ hội đã để lại dấu ấn không phai mờ trong mỗi con người để rồi dù có đi đâu cũng vẫn nhớ về quê hương xứ sở. Đó là những món ăn đặc trưng và phong cách thanh lịch của người Hà Nội. Đó là những diễn xướng dân gian tồn tại qua bao thăng trầm của thời gian. Đó là các trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, các chợ phiên Hà Nội rồi văn hóa dân gian của làng cổ ở Hà Nội hay sự giao lưu hội tụ giữa văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Đó là những tục lệ Thăng Long - Hà Nội xưa hiện còn lưu giữ trong dân gian giúp cho bạn đọc hình dung được muôn mặt đời thường của người dân làng xã hay nói cách khác là thói người, nết đất rất đa dạng của Hà Nội xưa… để từ đó nhận ra những mặt tích cực cần phát huy và những điểm hạn chế cần loại bỏ.
Đáng chú ý, Tạp chí còn phản ánh, biểu dương nhiều mô hình gia đình truyền thống Hà Nội với sự tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ; tuyên truyền sâu rộng các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…; tuyên truyền về việc triển khai thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử… đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.
Chuyên trang “Sáng tạo và cống hiến”, “Người tốt việc tốt” được Tạp chí Người Hà Nội tổ chức thực hiện từ nhiều năm qua đã góp phần tích đáng kể trong công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn Thành phố. Qua những trang viết đậm chất văn học nghệ thuật, Tạp chí đã khơi dậy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội trong dòng chảy lịch sử, với truyền thống văn hiến, văn minh thanh lịch; kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến - một trong những nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng bản sắc văn hóa Hà Nội. Đây chính là cách mà Tạp chí lan tỏa những “tấm gương đẹp, những hành động đẹp”, góp phần đẩy lùi cái xấu, tác động đến nhận thức, tình cảm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố, tạo sự đồng thuận nhân ái trong xã hội.
Khích lệ sáng tác khơi dậy tình yêu Hà Nội
Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phát huy thế mạnh của tờ Tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của thành phố, nhằm mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, Ban Biên tập cũng thường xuyên tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi ở nhiều thể lo ký, phóng sự, truyện ngắn, thơ, nhiếp ảnh, ca khúc, kịch ngắn hướng chủ đề tuyên truyền định hướng phát triển văn hóa, giáo dục góp phần tiếp tục xây dựng con người mới, người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Có thể kể đến cuộc thi viết “Hà Nội trong trái tim em” phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội dành cho các em học sinh THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục đích của cuộc thi là góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến, qua đó bồi dưỡng lòng yêu mến, niềm tự hào về mảnh đất Hà thành; Cuộc thi ký phóng sự với chủ đề “Hà Nội đổi mới và phát triển” qua đó hướng tới những ý tưởng và thực tiễn xây dựng đất nước, xây dựng thủ đô, về vẻ đẹp Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bề dày lịch sử nghìn năm, biểu hiện qua đời sống, sinh hoạt của con người, phong cảnh, di tích lịch sử; những tấm gương, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua học tập và lao động sản xuất…
Đối với loại hình nhiếp ảnh, Người Hà Nội phát động cuộc thi ảnh dành cho các tác giả chuyên và không chuyên với chủ đề “Nụ cười Hà Nội”. Cuộc thi đã nhận được 1521 bức ảnh của 147 tác giả trong đó 100 bức ảnh đã được lựa chọn để giới thiệu trong triển lãm. Các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm đã lột tả được những khoảnh khắc đẹp về nụ cười trong cuộc sống của người Hà Nội được thể hiện trong quan hệ ứng xử, lao động, học tập, sáng tạo, cống hiến… Góp phần lan tỏa nét đẹp của người Hà Nội đặc biệt là vẻ đẹp tinh tế, thanh lịch của người phụ nữ Thủ đô.
Để góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị truyền thống của gia đình Việt nam, Người Hà Nội phát động cuộc thi ảnh “Mái ấm gia đình Việt” nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Thành công của cuộc thi đó là đã thu hút được đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên, đến từ nhiều tỉnh thành và thuộc nhiều lứa tuổi tham gia dự thi; đồng thời góp phần tuyên truyền, phổ biến, tôn vinh những giá trị chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình; giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách người Việt Nam; đề cao hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hiện đại; giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng.
Đáng chú ý, gần đây Tạp chí đã phát động Cuộc thi viết về chủ đề “Hà Nội & Tôi” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Cuộc thi là cơ hội để những người yêu Hà Nội được thể hiện và bày tỏ những tình cảm, những ngẫm suy, những góc nhìn về Hà Nội qua đó góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội; cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội; sức quyến rũ, sự hội tụ bởi lòng nhân hậu, bao dung, chan hòa của đất và người kinh kỳ… Từ đây góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với mỗi người khi được sinh ra và lớn lên; được sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô văn hiến. Cuộc thi cũng là dịp để mỗi người được chia sẻ những việc mình đã làm với Hà Nội, vì Hà Nội - nhất là khi Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời khơi gợi cho mỗi người cùng suy ngẫm về trách nhiệm cá nhân của mình để góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về những nỗ lực của Tạp chí Người Hà Nội trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn minh thanh lịch của người Hà Nội. Với tất cả sự tâm huyết, trách nhiệm, Người Hà Nội đã, đang và sẽ luôn cố gắng phát huy vai trò của báo chí, của tờ Tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của Thủ đô, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tuyên truyền thực hiện định hướng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhà báo Vương Minh Huệ (Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội)