Không chủ quan trong ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn

Admin
(Chinhphu.vn) - Hôm nay (15/7), Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 15/7, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 40.146 tàu/196.741 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó 1.037 tàu/6.187 người hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ chiều 14/7/2024.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (theo báo cáo của Cục Thủy sản): Có 26.578 ha diện tích và 5.290 lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản.

Về hồ chứa: Lúc 8h/15/7, mực nước thượng lưu các hồ/mực nước cao nhất trước lũ (thời kỳ lũ sớm) như sau: Sơn La: 203,05m/200,0m (cao hơn 3,05m); Hoà Bình: 108,56m/105,0m (cao hơn 3,56m); Tuyên Quang: 109,33m/105,2m (cao hơn 4,13m).

Đến ngày 20/7/2024, các hồ phải vận hành đưa về mực nước cao nhất trước lũ (thời kỳ lũ chính vụ) như sau: Sơn La: 197,3m (cao hơn 5,75m); Hoà Bình: 101m (cao hơn 7,56m); Tuyên Quang: 105,2m (cao hơn 4,13m).

Trong hôm nay (15/7), các tỉnh khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa từ 5-10mm, có nơi trên 30mm, Nghệ An, Thanh Hóa và Hòa Bình có mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh, Bộ đội biên phòng cho biết, đến nay đã có gần 41 nghìn tàu, thuyền với 197 nghìn người đã nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh: "Bộ đội biên phòng tuyến biển đã thông tin về áp thấp nhiệt đới đến các tỉnh trọng điểm Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Hiện nay chưa ghi nhận thiệt hại đối với tàu thuyền do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Bộ đội biên phòng sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương thông tin kêu gọi các tàu thuyền hoạt động ven bờ vào bờ để đảm bảo an toàn… Các đơn vị ở miền phía núi Bắc đã cho khảo sát, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy cơ ngập úng để phối hợp với địa phương có các biện pháp ứng phó kịp thời hiệu quả".

Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi và ngập úng các khu đô thị do mưa lớn được đặc biệt lưu ý trong thời điểm hiện nay đối với các địa phương, do vậy thông tin dự báo về áp thấp nhiệt đới và mưa lớn do hoàn lưu áp thấp cần cập nhật thường xuyên để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chủ động ứng phó của các địa phương.

Đại tá Lê Quang Hào, Trưởng phòng phòng chống thiên tai, Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng lưu ý, vừa qua đã xảy ra sạt lở ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang làm 11 người chết, 4 người bị thương nên cần khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...

Đại tá Lê Quang Hào cho biết thêm: "Trong 2 năm gần đây mưa lũ ở một số tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là Lào Cai gây thiệt hại rất lớn. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân đồng thời quản lý chặt chẽ về biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, có giải pháp quyết liệt để người dân người ta không đi qua những khu vực ngầm tràn khi mưa lũ xảy ra"

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, số lượng áp thấp nhiệt đới và bão năm nay cao hơn so với năm ngoái và có nhiều yếu tố bất thường, các địa phương không chủ quan trong ứng phó. Mưa lớn những ngày qua đã khiến đất ở nhiều khu vực miền núi "ngậm nước" dễ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cần theo dõi sát thông báo kịp thời đến người dân để chủ động sơ tán. Mưa lớn diễn biến phức tạp cũng đe dọa an toàn các hồ chứa, khu vực hầm, lò khai thác khoáng sản, các địa phương cần cần chủ động các phương án để ứng phó, tránh tâm lý chủ quan.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, lo ngại nhất là tâm lý chủ quan, Thứ trưởng phân tích: "Khi áp thấp vào thì vùng lộng không sao nhưng vùng bờ ngoài khơi thì lại là câu chuyện lớn. Vùng gần bờ có tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản, với hình thái thời tiết như vậy sẽ dễ xảy ra dông lốc, yêu cầu các địa phương ven biển và đất liền không chủ quan và phải có cách chỉ đạo thích hợp, hiệu quả tùy theo địa phương. Về an toàn hồ chứa, khi các hồ xả nước lũ phải có thông báo đến địa chỉ cần cảnh báo. Khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông hạn chế đi vào ban đêm trong mùa mưa lũ. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu khu vực và đoạn đường không an toàn thì cấm lưu thông".

Đỗ Hương