Tin liên quan
Chưa xử lý dứt điểm về trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm bãi sông Hồng, sông Đuống
Giải trình về quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu bãi sông, ngoài đê
Trách nhiệm quản lý nhà nước và các biện pháp giải quyết
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương nêu, tại khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng và sông Đuống có thực trạng nhiều phương án chuyển đổi mô hình kinh tế được các địa phương phê duyệt và cho các cá nhân, tổ chức đấu thầu thuê đất công, đất nông nghiệp công ích để phát triển kinh tế. Song, các cá nhân, tổ chức đã chuyển sang sử dụng các mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, khu sinh thái hoặc thậm chí xây dựng nhà xưởng, công trình tạm làm kho bãi…
Ông Duy Hoàng Dương đề nghị Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của Sở khi để xảy ra tình trạng trên? Sở đã tham mưu UBND thành phố các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tránh phát sinh thêm và đảm bảo không lãng phí tài sản nhà nước chưa?.
Đặt câu hỏi về việc khu vực ngoài bãi sông, tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích, chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước và các biện pháp giải quyết trong?
Cũng nêu vấn đề về tình hình xử lý các vi phạm đất đai, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến 31/12/2023 còn phải xử lý là 24.100 trường hợp (bao gồm cả trong và ngoài đê), trong các buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố tại các quận, huyện, các thành viên Đoàn giám sát đã có ý kiến đề nghị Sở bóc tách riêng số lượng trường hợp vi phạm trong và ngoài đê.
Ông Huân đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, Sở đã xử lý thêm được bao nhiêu trường hợp vi phạm và còn tồn bao nhiêu trường hợp vi phạm? Khi nào có thể xử lý hết được các vi phạm và trách nhiệm của Sở trong việc phối hợp và đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện?”
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, thời gian qua các quận/huyện đều xây dựng tiến độ triển khai thực hiện với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới liên quan đến đất đai và xây dựng tại khu vực bãi sông và ngoài đê.
Thực tế thời gian qua nhiều địa phương cho các cá nhân, tổ chức thuê đất nông nghiệp trồng cây, con nhưng khi hết thời hạn 5 năm cho thuê lại thì việc xác định các tài sản trên đất còn khó khăn. Vì theo quy định, các tài sản này không đủ căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất.
Về các giải pháp thời gian tới, ông Lê Thanh Nam cho rằng, Sở cũng như các đơn vị tiếp tục thực hiện nguyên tắc không để phát sinh sai phạm mới và xử lý dứt điểm sai phạm cũ, đặc biệt phải tuân thủ các quy định theo quy hoạch chung của thành phố.
Làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, theo kết luận thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các bến, bãi tập kết ở ven sông phải lập dự án theo hình thức chuyển nhượng. Tuy nhiên, do điều chỉnh Luật đất đai 2024 nên địa phương chưa triển khai theo hướng dẫn của Sở được.
Ông Thu cũng cho hay, khó khăn lớn nhất với địa phương nằm ở khu vực các xã giáp ranh với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc khi đất bồi ven sông sạt lở liên tục do tỉnh này vẫn cấp phép cho các đơn vị khai thác cát. Cho nên, huyện Phúc Thọ cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn để đơn vị triển khai thực hiện.
Nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định vi phạm
Làm rõ vấn đề thực trạng người dân vi phạm xây dựng các nhà đơn lẻ khu vực ngoài đê, bãi sông ở huyện Phúc Thọ và một số địa phương khi chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Sở Xây dựng đã tổ chức họp với các chuyên gia, đơn vị, quận/huyện để hướng dẫn các văn bản về nội dung liên quan cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu bãi sông và ngoài đê. Đến nay, các địa phương triển khai tích cực và đã cấp phép được 574 giấy phép.
Đối với huyện Phúc Thọ, từ năm 2022 Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn huyện cấp giấy phép nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng của huyện không triển khai thực hiện và để xảy ra vi phạm này thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND huyện. Không chỉ ở Phúc Thọ, mà nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định vi phạm trật tự xây dựng liên quan đến đất đai hay đê điều để từ đó có phương án xử lý, rõ thẩm quyền để xử lý dứt điểm.
Theo ông Võ Nguyên Phong, qua báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của các quận/huyện, Sở đã có báo cáo phân tích, làm rõ những vi phạm để phối hợp với các địa phương xử lý cho hiệu quả, với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ vào đó để điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5000 và tỷ lệ 1/2000 cho phù hợp để sớm hoàn thành trong năm 2025.
Còn đối với các quận/huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, trong đó có các dự án nằm trong khu vực bãi sông, ngoài đê. Phó Chủ tịch cho hay, kinh nghiệm từ đợt mưa lũ vừa qua tại sông Hồng, các đơn vị liên quan của thành phố cần chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông để phù hợp trong cả mùa cạn và mùa mưa lũ; thực hiện các phương án thiết kế nhà ở riêng lẻ của người đang dân sinh sống trong hành lang thoát lũ sao cho hợp lý, hiệu quả.
Nhà xây dựng hành lang đê rất nhiều ở hầu khắp các địa phương
Cũng liên quan đến vi phạm xây dựng trên mặt đê, không gian hàng lang bảo vệ đê điều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Quyến cho biết: Hiện nay nhà xây dựng hành lang đê nói chung và trên mặt đê nói riêng diễn ra rất nhiều, có thể nói là hầu khắp các tuyến đê đi qua các địa phương đều có tình trạng này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, có 3 trường hợp xảy ra, trường hợp thứ nhất là những hộ gia đình tồn tại rất nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm, người ta đã ở đó; thứ hai là trước đây các tuyến đê nhỏ, trong quá trình cải tạo nâng cấp chúng ta mở rộng lấn vào sát nhà dân, trước cả thời điểm pháp lệnh đê điều vì thế mà nhà dân vẫn tồn tại ở đó; trường hợp thứ ba là trường hợp có vi phạm xây mới.
Theo quy định mới nhất, kể cả pháp lệnh và luật đê điều thì tất cả các hộ gia đình nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều thì đều phải di chuyển, trách nhiệm này thuộc về chính quyền.
Hiện nay khối lượng di chuyển, ví như dự án cải tạo đê trên tuyến đê sông Bùi huyện Chương Mỹ có đến 1.000 hộ, khối lượng di chuyển rất lớn vì thế dự án đó phải điều chỉnh lại, tạm thời riêng chỗ đó chấp nhận thực trạng tồn tại vì việc di dời khối lượng tiền và tái định cư rất lớn, nên dừng lại và chỉ làm chỗ nào làm được thôi.
Giải pháp thuận tiện mà nhanh nhất là trông vào các dự án đê điều, có nghĩa là khi có dự án mở rộng mặt đê, cứng hoá mặt đê thì đưa mặt bằng này luôn, di dời hộ dân ra khỏi hành lang an toàn đê, hoặc có những chương trình di dời, di dân lớn.