Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

Admin
(PNTĐ) - Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Tin liên quan

Cẩn trọng lừa đảo bằng công nghệ Deepfake*

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội

Làm gì để không sập bẫy lừa đảo?

2.661 nạn nhân bị lừa đảo với số tiền hơn 5.200 tỷ đồng

Công an TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị cung cấp thông tin một số vụ án đơn vị đã triệt phá trong thời gian qua. Trong đó nổi bật là vụ án liên quan TikToker "Mr. Pips" Phó Đức Nam và TikToker "Mr.Hunter" Lê Khắc Ngọ.

Theo công an, qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã phát hiện từ năm 2021, Phó Đức Nam (30 tuổi, trú Bà Rịa-Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết với 1 nghi phạm quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại Campuchia. Người này chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác trên toàn quốc. Trong đó có 1 công ty tại TP Hồ Chí Minh làm “bình phong” và có khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam (trong đó có 24 văn phòng làm việc trên địa bàn Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác trên toàn quốc).

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo - ảnh 1
Tiktoker Mr. Pips Phó Đức Nam tại cơ quan điều tra (ảnh: CACC)

Mặc dù không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng công ty vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh. Hằng ngày có khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8-21 giờ. Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Các trang mạng này về bản chất đều đã được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các nghi phạm quản lý. Mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, Meta Trader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.

Các nghi phạm tuyển dụng và phân công, phân cấp quản lý nhân viên trong công ty thành nhiều bộ phận (gồm: kế toán, nhân sự, bộ phận IT, bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận trong công ty thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các mạng xã hội như Zalo, Telegram... Qua đó, các nghi phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Ban đầu, chúng dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền thấp, có lãi và rút được tiền, sau đó hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi giao dịch thua lỗ, thậm chí hết tiền trong tài khoản (các đối tượng gọi là “cháy” tài khoản), các đối tượng lại động viên để khách hàng chuyển thêm tiền để "gỡ". Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

Vụ án này, Công an TP Hà Nội xác định có 2.661 bị hại trên toàn quốc, đồng thời thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỉ đồng; 31 đối tượng bị bắt giữ, khởi tố bị can, khởi tố vụ án hình sự các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rứa tiền”, “Không tố giác tội phạm”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Thủ đoạn cũ, nhiều người vẫn dính bẫy?

Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, không thiếu các tài khoản quảng cáo chỉ cần bỏ vốn trong thời gian ngắn có thể thu về lợi nhuận gấp nhiều lần mà không cần tư duy, tốn công sức khi sao chép lại danh mục các “master”, “siêu trader”… Tuy nhiên, khá nhiều tài khoản trong số này chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo… Khác với cách lừa đảo “truyền thống”, các đối tượng này sẽ hướng dẫn nhà đầu tư “copy” theo danh mục của các nhà đầu tư "siêu giỏi", lợi nhuận sẽ được chia 7 - 3, tức nhà đầu tư “không cần làm gì”, chỉ cần bỏ vốn thôi nhưng nhận về 70% lợi nhuận, 30% còn lại là phí “trả công”. Để tránh bị lừa đảo, cơ quan chức năng nhiều lần khuyến nghị người dân cần giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng, đơn vị giao dịch có uy tín và được xác thực…

Thời gian qua, qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã triệt phá nhiều vụ lừa đảo thông qua đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội. Cụ thể, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Hồ Bích Ngọc (SN 1996; trứ tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 32 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và áp dụng biện pháp tạm giam đối với toàn bộ các bị can.

Theo cơ quan công an, c ác đối tượng đăng ký thành lập 1 công ty “bình phong” là Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group và mở 3 văn phòng trên địa bàn Hà Nội. Tuy công ty không đảng ký hoạt động trên lĩnh vực tài chính - chứng khoán nhưng vẫn tuyên dụng nhân viên đề hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo - ảnh 2
Ảnh minh họa.

Các đối tượng tuyển dụng, phân công, phân cấp quản lý nhân viên; tìm kiếm khách hàng có tiềm năng về tài chính, chủ yếu trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Facebook..., sau đó tiếp cận, lồng ghép các thông tin sai sự thật để giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, có 22 nạn nhân bị lừa đảo, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Đầu tháng 12/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận tin trình báo của một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến 9,4 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Qua mạng xã hội Facebook, bà T (trú tại Hà Nội) có kết bạn và trò chuyện với tài khoản “Nguyễn Thị Thùy Dung”. Sau một thời gian, đối tượng trên mời bà T tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website. Thủ đoạn cuả các đối tượng là đóng tiền để hưởng lãi suất cao. Bà T đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, tiến hành tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư. Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T đã nạp 5 tỷ đồng để nhận 350.000 USDT (tương đương 9 tỷ đồng).

Khi bà T muốn rút số tiền lãi trên các đối tượng yêu cầu phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản tương ứng 1,8 tỷ đồng (trong 5 tiếng đồng hồ); đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 1,6 tỷ đồng và nộp tiếp 3% tương ứng 360 triệu đồng tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Bà T tiếp tục nộp 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không rút được ra. Phát hiện mình bị lừa, bà T đã đến cơ quan Công an trình báo.

Thời gian qua không ít những người nổi tiếng trên mạng xã hội, thường khuyên khuyên sở hữu tài sản có giá trị lớn, ăn chơi sang chảnh ít lâu thì bị bắt giữ vì liên quan đến tổ chức đánh bạc trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Chuyện một Tiktok cơ nổi tiếng bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi liên quan đến tội phạm lừa đảo, đánh bạc, ma túy là chuyện không còn lạ ở Việt Nam.

TS.LS Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ khiến cho các hoạt động trên không gian mạng luôn nhộn nhịp, trong đó có hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán, tiền ảo... Lượng tiền đổ vào các hoạt động đầu tư trên không gian mạng ngày càng nhiều và liên tục. Tuy nhiên không phải ai tham gia đầu tư trên không gian mạng cũng có đủ năng lực trình độ hiểu biết để quản trị rủi ro.

Đặc điểm giao tiếp trên không gian mạng là ảo, là giao tiếp gián tiếp nên việc ẩn danh, đưa ra thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật, lừa đảo là rất dễ dàng. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ khiến cho các hoạt động quản lý không theo kịp, pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đủ để quản lý, kinh nghiệm kỹ năng của những người tham gia đầu tư trên không gian mạng chưa tốt dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng vào đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác

Cũng theo TS.LS Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dưới góc độ pháp lý, việc các đối tượng đưa ra những thông tin sai sự thật khiến cho nạn nhân tin tưởng nộp tiền, các đối tượng này nhận tiền rồi chiếm đoạt thì đây là những biểu hiện điển hình của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo - ảnh 3
TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Các đối tượng biết đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không tố giác thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 3 năm tù. Với những người biết rõ số tiền, tài sản có được do phạm tội mà có nhưng vẫn tiếp nhận để đưa vào các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự, hình phạt ở mức cao nhất có thể tới 15 năm tù. 

TS.LS Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính, hành vi, nhận thức của từng đối tượng có liên quan đến hoạt động đầu tư này để xác định những ai đồng phạm, những ai chỉ là người làm thuê, không biết các đối tượng này đang thực hiện hành vi phạm tội để phân loại, xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, những nhà đầu tư bị mất tiền là người bị hại, cần khẩn trương liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài liệu về phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, về việc chuyển tiền và các chứng cứ tài liệu khác có liên quan để cơ quan tố tụng đưa vào danh sách những người bị hại. “Vụ án này sẽ là bài học cho nhiều bạn trẻ khi muốn làm giàu nhanh chóng, bất chấp trên không gian mạng. Vụ án này cũng sẽ là bài học cho nhiều người bị hại khi thiếu kiến thức đầu tư, thiếu hiểu biết pháp luật, muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng trên không gian mạng”, LS Cường nhận định.

Cảnh báo với các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên mạng ảo, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam từng cho biết, những người tham gia vào không gian mạng cần phải xây dựng "sức đề kháng" cho mình, không nên tin vào những lời mời chào đầu tư tiền hấp dẫn với lợi nhuận khủng lên tới 50% thậm chí là 100%.

Bên cạnh đó, cần phải xác minh thông tin qua các kênh thông tin chính thống, có độ tin cậy cao vì những kẻ lừa đảo thường sẽ xây dựng kịch bản lừa đảo dựa trên thực tế xã hội đang diễn ra. Bên cạnh đó, cần quản lý thật tốt dữ liệu cá nhân, không tùy tiện cung cấp, chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân cho bất kì ai. Những đơn vị cung cấp, quản lý dữ liệu cá nhân cần nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định..., tạo hàng rào thép để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao…