Kiểm lâm buôn gỗ “lậu” ở Thừa Thiên-Huế từng liên quan đến vụ án cố ý gây thương tích

Admin
Nhân thân của bị cáo Trần Viết Thế Sơn, theo VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sơn từng liên quan đến vụ án về tội Cố ý gây thương tích khi đang làm cán bộ kiểm lâm.

Sáng 22/10, sau nhiều lần hoãn, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mở lại phiên xét xử 8 bị cáo liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan từng gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2023.

Kiểm lâm buôn gỗ “lậu” ở Thừa Thiên-Huế từng liên quan đến vụ án cố ý gây thương tích- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên toà.

Các bị cáo xét xử bao gồm: Trần Viết Thế Sơn (SN 1995, trú ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, thời điểm phạm tội, Sơn là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông); Lê Hữu Thiện (SN 1988, trú ở phường An Cựu, Tp.Huế, làm nghề thợ mộc).

Bắt 4 cán bộ kiểm lâm, quản lý rừng sau vụ núi Thị Vải bị "phá nát"

Ngoài ra, còn có các bị cáo gồm: Trần Văn Lanh (SN 1988, trú ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, làm nghề tự do); Trần Văn Đông (SN 1995), Trần Định Vĩ (SN 1983), cùng làm nông, trú ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông; Đỗ Ngọc Cường (SN 1992), Đặng Phương Nam (SN 1999), Nguyễn Văn Lãm (SN 1994), Nguyễn Quốc Hà (SN 1993), cùng làm nghề tự do, trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông.

Về nhân thân của bị cáo Trần Viết Thế Sơn, theo trình bày của kiểm sát viên tại phiên toà, từ nhỏ Sơn ở với cha mẹ tại thôn 9, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế, học đến lớp 12/12.

Từ 2018 đến tháng 1/2022 làm nghề buôn bán tự do. Từ tháng 2/2022 là cán bộ hạt kiểm lâm huyện Nam Đông cho đến ngày phạm tội.

Ngày 06/4/2022, Sơn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đông khởi tố vụ án về tội Cố ý gây thương tích. Đến ngày 06/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đông ra quyết định đình chỉ vụ án lý do người bị hại rút đơn yêu cầu.

Về vụ án Vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng, lâm sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngày 08/12/2023, Lê Hữu Thiện gọi điện cho Trần Viết Thế Sơn để mua gỗ kiền kiền.

Từ ngày 08 đến 14/12/2023, Sơn mua của Trần Định Vĩ, Trần Văn Đông 2,580m3 và Nguyễn Văn Lãm 1,870m3 gỗ kiền kiền để bán cho Thiện. Sau đó, Sơn thuê Đỗ Ngọc Cường, Đặng Phương Nam, Nguyễn Quốc Hà, Trần Văn Lanh bốc vác, vận chuyển nhiều lần về bán cho Thiện tại nhà Thiện ở 09/02/27 Ngự Bình, Tp.Huế thì bị phát hiện tạm bắt giữ.

Ngoài ra, Trần Viết Thế Sơn đã mua 2 biển số giả BKS 75C-098.86 và BKS 75C-114.72 lắp vào 02 xe ô tô bán tải màu trắng BKS 75C-091.64 và xe ô tô bán tải màu đen BKS 36C-356.04 rồi sử dụng vào việc thực hiện hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, Đỗ Ngọc Cường biết và cùng thống nhất, thực hiện với Sơn.

Trong vụ án này, Trần Viết Thế Sơn, Đỗ Ngọc Cường, Đặng Phương Nam đã có hành vi vận chuyển, mua bán 4,450m3 gỗ kiền kiền Phú Quốc; Nguyễn Quốc Hà, Nguyễn Văn Lãm đã có hành vi vận chuyển 3,4192m3 gỗ kiền kiền Phu Quốc; Trần Văn Lanh đã có hành vi bán 1,870m3 gỗ kiền kiền Phú Quốc; Trần Văn Đông, Trần Định Vĩ đã có hành vi khai thác 01 cây gỗ kiền kiền Phú Quốc tại Vườn quốc gia Bạch Mã, địa phận xã Thượng Long, huyện Nam Đông, có khối lượng 4,37m3 quy tròn.

Bị cáo Lê Hữu Thiện biết rõ nguồn gốc gỗ Sơn bán là bất hợp pháp nhưng vẫn mua 4,450m3 gỗ kiền kiền Phú Quốc để cất giữ, nhằm bán cho người khác.

Toàn bộ số gỗ nêu trên không được phép khai thác và không có giấy tờ hợp pháp.

Theo VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, hành vi của các bị can đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định tại Điều 232 BLHS. Trần Viết Thế Sơn, Đỗ Ngọc Cường còn phạm vào tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Hành vi nêu trên của các bị cáo là nguy hiểm nên cần xử lý theo pháp luật.

Dự kiến trong hôm nay, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tuyên án đối với các bị cáo.

Lê Kông