Kỳ 1: Nhận diện nguồn lực văn hóa Thủ đô

Admin
(PNTĐ) - Nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội bao gồm ba loại: Nguồn lực di sản văn hóa; nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa, nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa. Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu nguồn lực vô cùng dồi dào, tinh hoa, trở thành nguồn vốn to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

PGS.TS Lê Quý Đức - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại cũng như con người đang hiện diện trong đời sống xã hội hiện nay rất phong phú và đa dạng. Chỉ cần điểm qua một số yếu tố của nguồn vốn văn hóa (cũng là nguồn lực văn hóa) cơ bản đã thấy được sự đậm đặc, riêng biệt và vô cùng dồi dào của văn hóa Thủ đô.

Kỳ 1: Nhận diện nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 1
Hà Nội là trung tâm quy tụ và thu hút nguồn lực nhân tài cả nước. Ảnh minh họa
 

Nguồn lực văn hóa truyền thống, hiện đại vô cùng dồi dào
Trước hết có thể thấy Thăng Long - Hà Nội là trung tâm của vùng Đồng bằng Bắc bộ - vùng diễn ra nhiều lễ hội nhất của cả nước. Theo tài liệu của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thăng Long - Hà Nội có 1.095 lễ hội lớn nhỏ, chiếm 13,79% lễ hội cả nước. Lễ hội có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch và dịch vụ, thu hút khách tham quan du lịch đến các lễ hội và các thiết chế văn hóa tâm linh. 

Phong tục, tập quán của người Thăng Long - Hà Nội truyền thống cũng như hiện đại rất phong phú và sinh động đã góp phần làm nên lối sống người Thăng Long - Hà Nội. Nhiều phong tục, tập quán làm nên lối sống thanh lịch, tình nghĩa của cư dân Thăng Long - Hà Nội đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với tư cách là một nguồn lực văn hóa. Đó là sản phẩm văn hóa, đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về mọi mặt” như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã khẳng định. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán tốt đẹp, “thuần phong, mỹ tục” đã và đang được phát huy trong đời sống cư dân Thủ đô để giáo dục đạo đức nhân sinh, góp phần giáo dục các giá trị cuộc sống, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch. 

Sự dồi dào của nguồn lực văn hóa truyền thống, hiện đại, Hà Nội còn được nhìn nhận ở rất nhiều lĩnh vực khác. Văn chương của Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một kho tàng to lớn về tác giả, tác phẩm từ văn chương dân gian đến văn chương bác học, văn chương cách mạng. Song song với đó, Hà Nội cũng là thành phố “đứng đầu vương quốc về nghệ thuật” bởi sự đa dạng của các ngành nghệ thuật truyền thống vừa dân gian vừa bác học. Âm nhạc với các làn điệu dân ca, hát chèo, hát ca trù, trống quân, sa mạc, chèo tàu... đến nhã nhạc cung đình đã ra đời từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê khá phổ biến trong dân gian và cả tầng lớp quý tộc. 

Theo thống kê, Hà Nội có đến 50 điệu múa đặc trưng, các loại hình diễn xướng cũng phát triển rất sớm. Nghệ thuật tranh dân gian đạt trình độ cao, Hà Nội sau này cũng là trung tâm của nền mỹ thuật Đông Dương với nhiều danh họa. Các loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật đúc, tạc tượng, khảm trai, khảm xà cừ, dát vàng, gò đồng, nghệ thuật làm con rối, nghệ thuật nặn tò he… của Hà Nội cũng đạt đến trình độ cao. Trên đất Thăng Long - Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, phố nghề với 200 nghề truyền thống tinh xảo khó có nơi nào bì kịp.

 Trải qua hàng nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng, bảo tồn được một nguồn tài sản văn hóa vật thể to lớn và vô cùng quý giá. Đó là các khu di tích thành quách, công trình tôn giáo, công trình văn hóa, cảnh quan, thắng cảnh, phố cổ, làng cổ... Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, Thăng Long - Hà Nội có khoảng hơn 3.000 di tích, cảnh quan đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố (tỉnh trước đây), trong đó có 2 di tích được UNESCO công nhân là di sản văn hóa vật thể của nhân loại (Hoàng thành Thăng Long và Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường, có hàng trăm ngôi nhà cổ, nhà cũ, 60 đình cổ tại khu phố cổ, 859 công trình kiến trúc có giá trị, hơn 900 ngôi biệt thự theo kiến trúc hiện đại kết hợp nghệ thuật kiến trúc châu Âu (Pháp, Italia) với kiến trúc phương Đông (Việt Nam).  

Tiếp nối với truyền thống, nguồn lực văn hóa vật thể hiện đại (những thiết chế văn hóa) cũng rất giá trị, như hệ thống thư viện, nhà văn hóa, cung văn hóa, bảo tàng, công viên, trung tâm văn hóa - thể thao… Hà Nội là nơi sở hữu nhiều đoàn nghệ thuật, rạp chiếu phim và Nhà hát, thư viện, công viên lớn nhỏ, bảo tàng... hàng đầu cả nước cùng với hàng ngàn cửa hàng cung cấp các “dịch vụ văn hóa” khác... Trên đất Hà Nội có nhiều công trình văn hóa lớn như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hà Nội, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình... 

Những nguồn lực văn hóa này sẽ tạo thành nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực xã hội. 
Hà Nội sở hữu nguồn lực con người hàng đầu đất nước
PGS.TS Phạm Duy Đức nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định Thủ đô Hà Nội là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước; tập trung đông đảo đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ ở Trung ương và thành phố; đồng thời, là đầu mối giao lưu về văn hóa, nghệ thuật của quốc gia, là nơi có tiềm năng thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ của quốc tế đến sống và sáng tạo tại Việt Nam; là địa phương có số nghệ nhân văn hóa đứng đầu cả nước. 

PGS.TS Phạm Duy Đức chia thành 9 nguồn lực con người tiêu biểu với tư cách là chủ thể của sự sáng tạo, sản xuất và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay: Cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố; văn nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật do Thành phố quản lý và các hội văn học nghệ thuật trực thuộc thành phố; các nghệ nhân dân gian; các trí thức và nghệ sĩ hoạt động ở các cơ quan Trung ương gắn bó với Thủ đô Hà Nội; trí thức văn nghệ sĩ Việt kiều là người Hà Nội và yêu Hà Nội; các chuyên gia, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật quốc tế sống và làm việc tại Hà Nội; doanh nhân trong nước và quốc tế hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật và các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; trí thức, văn nghệ sĩ trẻ đã và được đào tạo chuyên nghiệp mong muốn khởi nghiệp tại Thủ đô; sự tham gia của người dân Thủ đô trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, truyền bá, thụ hưởng các giá trị văn hóa, nghệ thuật. 

Có thể thấy, nguồn lực văn hóa nói chung ở Thủ đô Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng, có chất lượng cao sẽ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã khẳng định: “Tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô”. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Hà Nội là xây dựng và phát triển văn hóa, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Trong bài viết tại Hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức hồi tháng 6/2024, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh: “Đảng bộ Thành phố luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập, thích ứng với xu hướng văn hóa của khu vực và thế giới”.  

“Điểm nhấn trọng tâm chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức toàn diện, đầy đủ, thấy rõ vai trò, vị trí của văn hóa trong mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội, con người, mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, văn hóa với kinh tế, văn hóa với hoàn thiện nhân cách con người, văn hóa như một nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của Thủ đô,…”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định. 

Bài 2: Những thách thức phát triển nguồn lực 
văn hóa trong xây dựng và phát triển Thủ đô