Bệnh lý nặng nhưng có thể điều trị khỏi
Theo TS.BS Trần Tiến Tài, Chuyên gia tâm lý nền tảng tư vấn tâm lý Online Safe and Sound, hiện nay có một số phương pháp trị liệu trầm cảm cơ bản gồm:
Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT): Đây là một trong những phương pháp tâm lý trị liệu phổ biến và hiệu quả nhất, giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực và xây dựng những lối suy nghĩ lành mạnh hơn. Trong CBT, người bệnh được hướng dẫn cách phân tích và thách thức những suy nghĩ tiêu cực, từ đó kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình.
Sử dụng thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có thể rất hiệu quả với một số bệnh nhân, đặc biệt là những người có triệu chứng trầm cảm nặng hoặc kéo dài. Các loại thuốc như SSRI và SNRI giúp điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh trong não, như serotonin và norepinephrine, từ đó cải thiện tâm trạng và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, việc trị liệu sẽ tăng mức độ thành công với một số yếu tố quan trọng như sự thừa nhận và chấp nhận tình trạng của mình, đây là bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc điều trị trầm cảm. Khi người bệnh thừa nhận rằng họ đang đối mặt với trầm cảm và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ, quá trình điều trị sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, một môi trường gia đình tích cực, thấu hiểu và động viên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Người bệnh trầm cảm thường cảm thấy cô đơn và mất kết nối, nên sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình và bạn bè là nguồn động lực lớn giúp họ vượt qua khó khăn.
Nhớ lại thời điểm này của 4 năm về trước, chị L.C (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy mình thật may mắn khi đã vượt qua được căn bệnh trầm cảm. Có bố gia trưởng, độc đoán, mẹ bận rộn, chị C đã gần như mất kết nối với gia đình. Rồi một sự cố ập tới khi chị chia tay mối tình đầu, công việc lại không như mong muốn. Chị rơi vào trầm cảm và 2 lần đã lên tầng cao nhất của chung cư đang ở rồi tưởng tượng về việc được lao mình xuống đất. Tuy nhiên, sau đó, nhờ sự nhạy cảm của người mẹ mà chị đã được đưa tới bác sĩ thăm khám. Những cuộc trò chuyện nhiều hơn với mẹ để chắp nối lại quan hệ bị đứt gãy, sự giảm dần của những cuộc xung đột với bố (do bố chị cũng đã cố gắng thay đổi cách ứng xử vì con) cộng với lộ trình điều trị tâm lý với bác sĩ, những lời khuyên để chị nguôi ngoai nỗi đau chia tay mối tình đầu đã khiến chị dần bình tĩnh và trở lại cuộc sống bình thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân nếu có mức độ trầm cảm nhẹ và vừa hoàn toàn có thể điều trị liệu pháp tâm lý là chủ yếu, trong đó gia đình và môi trường sống đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp bệnh ở mức độ nặng, thì bệnh nhân cần điều trị kết hợp với thuốc chống trầm cảm cùng với phục hồi chức năng tâm lý xã hội để hòa nhập với cộng đồng và gia đình. Tuy nhiên, để có thể chữa trị bệnh từ gốc, thì cần phải điều trị nguyên nhân gây ra trầm cảm nếu có. Đặc biệt, trầm cảm cần điều trị lâu dài với sự tuân thủ và kiên trì của bệnh nhân và gia đình.
Như chị L.C đã khá may mắn khi được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nguyên nhân gây ra trầm cảm của chị đã được điều trị. Quan trọng hơn, cả bố và mẹ chị đều có sự hợp tác, điều chỉnh hành vi để cải thiện quan hệ và tạo một môi trường gia đình gắn kết, đầm ấm cho chị.
Vai trò hỗ trợ và đồng hành của gia đình rất quan trọng
Theo TS.BS Trần Tiến Tài, Chuyên gia tâm lý nền tảng tư vấn tâm lý Online Safe and Sound, để hạn chế trầm cảm và giảm thiểu hậu quả của căn bệnh này, mỗi cá nhân, gia đình và xã hội đều có thể đóng góp tích cực thông qua các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ và thúc đẩy sức khỏe tinh thần. Dưới đây là những gợi ý cụ thể và các mô hình có thể áp dụng.
Về phía cá nhân: Dành thời gian để lắng nghe bản thân và hiểu rõ những cảm xúc của mình, đồng thời học cách phân biệt những thay đổi tâm trạng tạm thời với các dấu hiệu của trầm cảm; chăm sóc sức khỏe thể chất bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tham gia các hoạt động yêu thích. Những hoạt động này có thể giúp cơ thể sản sinh serotonin và endorphin, các chất hóa học giúp cải thiện tâm trạng; duy trì các mối quan hệ lành mạnh với gia đình và bạn bè có thể giúp bạn cảm thấy được chia sẻ, an ủi và động viên trong những thời điểm khó khăn; không ngần ngại tìm đến chuyên gia khi nhận thấy những dấu hiệu của trầm cảm. Các liệu pháp tâm lý, như liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT), cũng như các dịch vụ tư vấn, đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị và ngăn ngừa trầm cảm.
Từ phía gia đình: Cần trang bị kiến thức để hiểu về trầm cảm và không coi thường các dấu hiệu của bệnh. Thay vì chỉ trích, nên thể hiện sự quan tâm và sẵn lòng lắng nghe, động viên khi người thân cần. Nhìn nhận sức khỏe tinh thần là một phần của sức khỏe tổng thể, không xem trầm cảm là sự yếu đuối. Khi gia đình thấu hiểu, người bệnh sẽ cảm thấy được chấp nhận và có môi trường an toàn để chia sẻ. Nếu người thân có dấu hiệu trầm cảm, hãy khuyến khích họ tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc tâm lý một cách nhanh chóng, thay vì tự chữa trị hoặc bỏ qua vấn đề.
Từ xã hội và cộng đồng: Cần tăng cường các chiến dịch giáo dục về sức khỏe tinh thần, giúp mọi người hiểu rõ về các dấu hiệu của trầm cảm, đồng thời loại bỏ kỳ thị đối với bệnh lý này; thiết lập các trung tâm tư vấn, các đường dây nóng hoặc các nhóm hỗ trợ cộng đồng nơi mọi người có thể tìm đến khi gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần; các chính sách hỗ trợ, bảo hiểm y tế và các chương trình xã hội dành cho sức khỏe tinh thần cần được mở rộng và dễ tiếp cận hơn. Việc này sẽ giúp nhiều người tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc tâm lý một cách bình đẳng.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho rằng, vai trò hỗ trợ và đồng hành rất quan trọng khi có thành viên trong gia đình xuất hiện dấu hiệu trầm cảm. Cha mẹ, anh chị em, con... của người bệnh hãy chú ý lắng nghe và quan sát những thay đổi bất thường trong cảm xúc, hành vi của người thân mình. Những dấu hiệu như buồn bã kéo dài, mất hứng thú trong các hoạt động yêu thích, hay cách ly khỏi người thân đều cần được quan tâm, phát hiện sớm.
Cần tạo không gian để người bệnh cảm thấy an toàn, thoải mái chia sẻ. Thay vì phán xét, hãy lắng nghe, động viên và thấu hiểu. Tránh áp đặt ý kiến hoặc gây áp lực, điều này có thể khiến họ cảm thấy cô lập và khép kín hơn.
Ngoài ra, gia đình cũng cần khuyến khích người thân tham gia các hoạt động tích cực, như vận động thể thao, gặp gỡ bạn bè, hoặc học các kỹ năng thư giãn. Nếu tình trạng kéo dài hoặc nghiêm trọng, gia đình nên tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, giúp người bệnh tiếp cận với các phương pháp điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc.
Đặc biệt, để có một sức khỏe tinh thần và tránh trầm cảm, thì mỗi người cũng cần biết cách chăm sóc bản thân mình bằng việc nên bắt đầu từ những thói quen hàng ngày.
Trước hết, hãy duy trì lối sống lành mạnh, với chế độ ăn uống cân bằng, giấc ngủ đủ, và tập thể dục đều đặn - đây là nền tảng giúp tinh thần luôn ổn định.
Thứ hai, học cách quản lý và giải tỏa căng thẳng cũng rất quan trọng. Các phương pháp như thiền, yoga giúp chúng ta bình an hơn và dễ kiểm soát cảm xúc.
Ngoài ra, xây dựng mối quan hệ tích cực với gia đình, bạn bè và cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng. Những kết nối này giúp giảm cảm giác cô đơn và mang lại nguồn động viên quý giá.
Mỗi người cần nhận biết giới hạn của bản thân, tránh tạo áp lực quá mức và biết dừng lại khi cần để chăm sóc bản thân. Cuối cùng, nếu cảm thấy dấu hiệu bất ổn, đừng ngại tìm sự hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia tâm lý. Việc can thiệp sớm là yếu tố then chốt để giữ gìn sức khỏe tinh thần bền vững.
Tóm lại, cần có sự phối hợp từ cả cá nhân, gia đình và xã hội để phòng ngừa và điều trị trầm cảm một cách hiệu quả. Nâng cao nhận thức, hỗ trợ cảm xúc và tạo ra các mô hình hỗ trợ toàn diện sẽ giúp xây dựng một môi trường lành mạnh, đồng cảm và cởi mở với những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần.
Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe