Kỳ vọng về thanh toán điện tử trong giao thông

Admin
(Chinhphu.vn) - Việc chuyển đổi sang thanh toán điện tử cho các dịch vụ giao thông như thu phí không dừng, bãi đỗ xe, đăng kiểm, cảng biển... được kỳ vọng mang lại sự thuận tiện và rút ngắn đáng kể thời gian giao dịch cho người tham gia giao thông.
Kỳ vọng về thanh toán điện tử trong giao thông- Ảnh 1.

Các phương tiện xếp hàng để thanh toán phí đường bộ qua BOT Thái Hà - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Cùng với nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, Nghị định 119/2024/NĐ-CP về thanh toán điện tử trong giao thông có hiệu lực từ 1/10/2024 đã mở ra bước đột phá, mang đến sự tiện lợi nhằm giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý và minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan chức năng.

Chuyển đổi số trong giao thông - xu thế tất yếu

Thanh toán điện tử đang ngày càng khẳng định vai trò là giải pháp hiệu quả để khắc phục những hạn chế của phương thức thanh toán truyền thống trong giao thông. Bởi lẽ, tốc độ, sự tiện lợi và minh bạch từ hệ thống này mang lại đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân.

Anh Sái Ngọc Giang (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) thường xuyên di chuyển trên các tuyến cao tốc và trải nghiệm dịch vụ thu phí không dừng (ETC), anh vô cùng hài lòng về sự tiện ích mà dịch vụ thanh toán điện tử này mang lại.

"Tôi đã sử dụng thu phí không dừng trên đường cao tốc và thực sự thấy tiện lợi. Chỉ cần dán thẻ vào xe và nạp tiền vào tài khoản, tôi không phải lo lắng về việc dừng xe trả tiền mặt hay chờ thanh toán. Mọi thứ diễn ra trơn tru, tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhất là trong giờ cao điểm", anh Giang chia sẻ

Không chỉ tại các trạm thu phí trên cao tốc, dịch vụ thanh toán điện tử còn đang phát huy hiệu quả tại các bãi đỗ xe ở các thành phố lớn. Chị Hoàng Ngọc Diệp, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, trước đây, mỗi lần vào bãi đỗ xe, chị thường phải đợi nhân viên thu tiền và tìm tiền lẻ, rất mất thời gian. Từ khi có hệ thống thanh toán điện tử qua thẻ hoặc ví điện tử, mọi thứ nhanh hơn rất nhiều. Chỉ cần quét mã là thanh toán xong, không còn cảnh xếp hàng dài chờ đợi.

Tuy nhiên, chị Diệp cũng mong muốn hệ thống này được cải thiện và tích hợp nhiều tính năng hơn: "Hiện tại, tôi hài lòng với việc thanh toán điện tử nhưng vẫn kỳ vọng sẽ có một tài khoản giao thông tích hợp được nhiều dịch vụ, giúp việc thanh toán trở nên tiện lợi hơn nữa".

Dù nhận được nhiều đánh giá tích cực, thanh toán điện tử trong giao thông vẫn còn những vấn đề cần giải quyết để đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của người dùng. Chị Nguyễn Thị Hường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ: "Đôi khi hệ thống gặp trục trặc, nhất là khi quét thẻ không thành công hoặc mạng yếu. Điều này gây phiền phức và tôi hy vọng hạ tầng sẽ được cải thiện để việc thanh toán diễn ra suôn sẻ hơn".

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi sang thanh toán điện tử

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc chuyển đổi từ thanh toán thu phí sử dụng đường bộ sang tài khoản giao thông sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Thay vì chỉ sử dụng cho một mục đích duy nhất là thu phí đường bộ, tài khoản giao thông được kết nối với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ cho phép người dân chi trả cho nhiều dịch vụ khác nhau.

Cụ thể, tài khoản giao thông có thể được dùng để thanh toán phí đường bộ, phí đỗ xe tại sân bay, bãi đỗ ở các khu đô thị, lệ phí đăng kiểm…và nhiều dịch vụ khác. Đặc biệt, người dân có thể dễ dàng nạp và rút tiền từ tài khoản này để sử dụng cho các mục đích thanh toán đa dạng, mang lại sự tiện lợi và linh hoạt hơn trong việc quản lý chi tiêu khi tham gia giao thông.

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 1/10/2025, hơn 5,6 triệu phương tiện sẽ phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông được kết nối với các phương tiện thanh toán. Trong thời gian này, tại các trạm thu phí, hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ tiếp tục được duy trì dưới dạng điện tử không dừng.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử cho giao thông đường bộ sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2026, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông.

Để thanh toán điện tử trong giao thông được hoạt động hiệu quả và bền vững, rất nhiều đơn vị cũng đã nghiên cứu, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đồng bộ hóa các hệ thống thanh toán.

Kỳ vọng về thanh toán điện tử trong giao thông- Ảnh 2.

Do chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động, các phương tiện vẫn phải thực hiện việc thu phí 1 dừng. Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Liên quan đến hạ tầng công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, hiện nay, hệ thống thanh toán bán lẻ của các ngân hàng có độ phủ sóng cao, với số lượng thẻ ngân hàng quốc tế và nội địa đã vượt 1,5 lần tổng dân số Việt Nam. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành hiện đã có tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng sẵn sàng cung cấp hạ tầng và kinh nghiệm triển khai không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Tại Việt Nam, Napas đã có kinh nghiệm kết nối liên thông với một số đơn vị dịch vụ giao thông như VETC và Vinbus.

Để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, Napas đề xuất mỗi thành phố và tốt nhất là mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, áp dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm xe buýt và metro… Điều này sẽ giúp tạo ra sự liên thông trong thanh toán bằng thẻ vé. Ngoài ra, việc hỗ trợ sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông cũng là một hướng đi quan trọng.

Chuyên gia giao thông Lê Minh Quốc nhận định, để tạo sự đơn giản và thuận tiện cho người dân, không cần thiết phải tách bạch các tài khoản thanh toán riêng biệt. Thay vào đó, các tài khoản này có thể được gộp chung và thanh toán qua ngân hàng. Đối với người dân, yếu tố quan trọng là dịch vụ phải "ngon - bổ - rẻ"; đồng thời cần tinh gọn quy trình thanh toán mà vẫn đảm bảo an ninh và hiệu quả kinh tế.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết thêm, đơn vị sẽ đảm bảo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình chuyển đổi từ tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông cho người dân.

Trong tương lai, chủ phương tiện sẽ được lựa chọn ví VISA để kết nối thanh toán cho phương tiện của mình. Đặc biệt, họ không cần phải đến trực tiếp các nhà cung cấp dịch vụ mà có thể thực hiện việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông thông qua các ứng dụng di động, giúp việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên thuận tiện hơn.

Các hợp đồng này sẽ được ký kết dưới dạng hợp đồng điện tử, với các phương thức xác thực tiên tiến như xác thực sinh trắc học. Điều này không chỉ bảo vệ dữ liệu cá nhân mà còn đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình ký kết hợp đồng.

Văn Hiền