Lại nóng chiêu trò “cò” đăng kiểm, người dân cần làm gì để tránh mất tiền oan?

Admin
Trên các trang mạng xã hội, không khó bắt gặp trường hợp chủ xe có nhu cầu làm dịch vụ đăng kiểm hộ, phía dưới các bài đăng rất nhiều "cò" mời chào. Để tránh “tiền mất tật mang” cần lưu ý điều gì?

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Văn bản của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, đơn vị, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (kiểm định xe cơ giới) từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp.

Chất lượng công tác kiểm định phương tiện và ý thức trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên được nâng cao.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho thấy vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định xe cơ giới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa tiêu cực và nâng cao chất lượng kiểm định xe cơ giới.

Cùng đó, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, kịp thời tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan công tác kiểm định xe cơ giới.

Lại nóng chiêu trò “cò” đăng kiểm, người dân cần làm gì để tránh mất tiền oan?- Ảnh 1.

Ngăn chặn từ sớm, từ xa những tiêu cực trong đăng kiểm. Ảnh: Báo Chính Phủ.

Tin lời "cò" đăng kiểm mất hàng chục triệu đồng

Đáng chú ý theo ghi nhận của báo Giao Thông, hiện vẫn còn tình trạng "cò" đăng kiểm hộ, trong đó, không ít trường hợp chủ xe bị "lừa" mất hàng triệu đồng.

Cụ thể, trên một diễn đàn về đăng kiểm, anh N.P.L. cho biết, ô tô của anh đã "độ" đèn bi và lốp có thông số lớn hơn lốp nguyên bản. Lo ngại xe sẽ trượt đăng kiểm nên anh L tìm một "cò" để hỗ trợ đăng kiểm. Người này nhận 6 triệu đồng của anh L. và cam kết sẽ giúp ô tô đạt đăng kiểm.

Sau khi nhận tiền, người này liên tục lấy lý do để từ chối đưa xe đi đăng kiểm, đến khi xe gần hết hạn đăng kiểm, anh L. buộc phải tự đi thay lốp nguyên bản và đưa xe đi kiểm định.

Điều đáng nói là, khi không "được việc", anh L. yêu cầu "cò" trả lại tiền, "cò" hứa trả nhưng đến nay đã 2 tuần vẫn "bặt vô âm tín" dù có cam kết qua ghi âm và ngồi gặp nhau.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Giao Thông lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, đây không phải trường hợp duy nhất bởi đơn vị này chứng kiến nhiều trường hợp chủ xe "nhẹ dạ" nghe theo lời các gara, trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô để "độ" thêm các chi tiết với lời hứa khi đi đăng kiểm sẽ hỗ trợ để xe đạt kiểm định.

Đa số các gara này sẽ tư vấn với chủ xe cứ yên tâm "độ", thay thế phụ kiện của gara, đến thời điểm đi đăng kiểm, chỉ cần đưa xe đến gara này sẽ được lắp lại phụ kiện nguyên bản để đi đăng kiểm.

Trên thực tế, nhiều gara không giữ được phụ kiện nguyên bản của xe, dẫn đến có không ít trường hợp phải đi thuê, mượn mang đến nhờ lắp đặt rồi mới đưa xe đi đăng kiểm được.

"Việc này không chỉ tốn thời gian, mất thêm chi phí mà còn không đảm bảo an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông", một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, tại nhiều gara, trung tâm sửa chữa ô tô, các phụ kiện được lắp đặt cho xe thường có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho phương tiện.

Đặc biệt, nhiều trường hợp "độ" đèn, lắp đặt các chi tiết cần đấu nối đường dây điện, nếu không đảm bảo sẽ tiềm ẩn nguy cơ chập cháy nổ điện, rất nguy hiểm.

Hoặc theo quy định mới, nếu cụm đèn chiếu sáng phía trước thay thế là hàng trôi nổi, không có chứng nhận hợp quy để xuất trình cho đơn vị đăng kiểm cũng sẽ bị đánh trượt hạng mục kiểm tra về đèn, gây khó khăn cho chủ xe khi phương tiện đến kỳ kiểm định.

Bởi lúc này chủ xe lại phải đi thay lại cụm đèn nguyên bản để đăng kiểm vừa mất thời gian lại tốn kém.

Ngoài ra, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội khuyến cáo, chủ xe cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo với những lời mời chào, hứa hẹn đăng kiểm "hộ", đặc biệt với các trường hợp xe đã qua độ, chế, không còn nguyên bản.

"Quy trình đăng kiểm hiện nay đã siết chặt hơn rất nhiều, tất cả các phương tiện tự ý cải tạo, "độ, chế" thêm phụ kiện đều bị đánh trượt, bất kể ai là người đưa xe đi đăng kiểm.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho phương tiện, thuận lợi khi đăng kiểm, chủ xe tốt nhất giữ phương tiện nguyên bản. Trường hợp, các bộ phận, chi tiết của xe bị hư hỏng, buộc phải thay thế, chủ xe cần lựa chọn các phụ kiện chính hãng của nhà sản xuất phù hợp với kiểu loại mẫu xe để lắp đặt. Tuyệt đối không nên sử dụng các phụ tùng, phụ kiện là hàng trôi nổi, không có xuất xứ", một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm khác chia sẻ thêm.

Bàn về tình trạng "cò" đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện không có quy định đăng kiểm thuê, đây là những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm.

Do đó, chủ xe cần tỉnh táo, không sử dụng dịch vụ trên, không nên thuê hoặc giao cho người không tin tưởng đi đăng kiểm để mọi tránh rủi ro, kể cả trường hợp có giao kết đăng kiểm thuê bằng hợp đồng dân sự.

Nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc khi đi đăng kiểm

Theo số liệu thống kê và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian tới, khi các địa phương đồng loạt xét xử vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, nhiều khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định. Các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định 2.819.416 lượt phương tiện. Trong đó, 2.365.575 lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, 453.841 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.

Xác định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thời gian qua, các đơn vị chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông đưa vào cảnh báo các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phương tiện liên quan đến các vụ án.

Thực hiện công khai thông tin phương tiện vi phạm hành chính thông qua đường dây nóng và trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục duy trì việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm phương tiện thông qua mạng kiểm định và qua hệ thống camera giám sát trực tuyến.

Lại nóng chiêu trò “cò” đăng kiểm, người dân cần làm gì để tránh mất tiền oan?- Ảnh 2.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn. Ảnh: Báo Chính Phủ.

Thông tin trên báo Đảng Cộng Sản Việt Nam theo số liệu thống kê và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian tới, khi các địa phương đồng loạt xét xử các vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, nhiều khả năng, một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác đăng kiểm khi xảy ra tình huống trên.

Trúc Chi (t/h)