Lăng kính chứng khoán 27/5: Điểm tên những cổ phiếu "khỏe"

Admin
Theo chuyên gia, NĐT nên dự đoán đúng sóng ngành để tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường điều chỉnh, ví dụ nhóm cổ phiếu "khỏe" như công nghệ, bán lẻ, viễn thông.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá giằng co và ngắt mạch tăng 4 tuần liên tiếp sau khi kiểm tra lại đỉnh cũ hồi tháng 3 (vùng 1.280 – 1.295 điểm).

Phiên cuối tuần đã kéo thị trường giảm hơn 19 điểm, khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn tăng vọt và vượt mốc 5%, phản ánh thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, việc Mỹ ghi nhận chỉ số PMI cao hơn dự báo cũng khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Fed hạ lãi suất trong năm nay, khiến chỉ số đồng USD (DXY) tăng, gây áp lực lên tỉ giá VNĐ.

Kết tuần, VN-Index giảm 11,18 điểm, tương đương 0,9% xuống 1.261,9 điểm. HNX gần như đi ngang ở mức 241,7 điểm và UPCoM tăng 1,4% lên 94,4 điểm.

Tuần qua, GAS tăng 4,4%; HVN tăng 12,6% và PLX tăng 8% là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VCB giảm 1,7%; VIC giảm 4,1% và TCB giảm 3,8% gây áp lực lên chỉ số chung.

Thanh khoản tiếp tục có xu hướng đi lên với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 27.670 tỷ đồng/phiên, tăng 37,6% so với tuần trước.

Khối ngoại bán ròng 5.352 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 3.871 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 33 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 1.448 tỷ đồng trên UPCoM.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 27/5: Điểm tên những cổ phiếu 'khỏe'

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).

Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc CTCK DSC Chi nhánh Tp.HCM đánh giá, thị trường đã tăng một mạch hơn 100 điểm từ đáy và việc điều chỉnh 3 - 5% là điều bình thường. Động thái từ nhóm nhà đầu tư nội địa hiện quan trọng hơn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm. Trường hợp cơ sở là thị trường sẽ tích lũy vùng 1.250 - 1.290 điểm, cân bằng trước khi có động lực tăng tiếp. Hỗ trợ mạnh hơn trong tình huống xấu quanh 1.220 điểm.

Theo chuyên gia này, thị trường hiện tại khá sôi động và tiền vào tốt. Dòng tiền có thể lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu khác nhau, miễn là nhà đầu tư dự đoán đúng sóng ngành để tìm kiếm lợi nhuận.

Do đó, ông Huy gợi ý tới nhà đầu tư nên “xuống tiền” những cổ phiếu duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hoặc đã thoát đáy kết quả kinh doanh.

Đầu tiên là nhóm cổ phiếu "khỏe" như công nghệ, bán lẻ, du lịch giải trí, viễn thông, hóa chất. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ, nếu mua mới cần chú ý vùng tích lũy và dư địa còn nhiều hay không.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu có khả năng sẽ khỏe lên gồm dầu khí, chứng khoán, thép, phân bón. Dòng tiền sau đó có thể luân chuyển tới lớp thứ 3, gồm các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu. Cổ phiếu ngân hàng có thể kéo chỉ số ở nhịp cuối. Những cổ phiếu penny có thể dậy sóng và trở thành lớp luân chuyển thứ 5.

"Mỗi lớp luân chuyển từ đầu đến cuối sóng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng cho đến khi hết sóng. Nhà đầu tư có thể linh hoạt để tranh thủ cơ hội", ông Bùi Văn Huy khuyến nghị.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 27/5: Điểm tên những cổ phiếu 'khỏe' (Hình 2).

 Diễn biến giao dịch của khối ngoại.

Còn ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK VNDIRECT nhìn nhận, rủi ro ngắn hạn đang tăng lên khi thị trường đón nhận những thông tin không mong đợi cả trong nước và quốc tế.

Cụ thể, những số liệu vĩ mô Mỹ được công bố tuần qua như PMI dịch vụ, PMI sản xuất, số đơn trợ cập thất nghiệp cao hơn dự báo cho thấy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất điều hành.

Trong nước, bất chấp những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, áp lực tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Cộng với việc đấu thầu vàng miếng đã hút một lượng thanh khoản khá lớn khỏi thị trường. Điều này khiến thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa như trước và lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 5%. Đi kèm với đó, NHNN cũng tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tăng thêm 25 điểm cơ bản so với trước. 

Những thông tin trên đã có tác động ngay lập tức tới diễn biến thị trường chứng khoán khi đây là kênh “nhạy cảm” với lãi suất.

Trước những dấu hiệu rủi ro đang xuất hiện, điều cần thiết đối với nhà đầu tư là cần đánh giá lại trạng thái danh mục đầu tư hiện tại, nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu.

Theo đó, đối với những nhà giao dịch đang sử dụng đòn bẩy (margin) hoặc đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm trạng thái, hạ bớt tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.

Đối với những nhà đầu tư dài hạn, có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu chưa đạt giá mục tiêu, tuy vậy chưa nên vội vàng mua vào mà cần kiên nhẫn quan sát cung cầu, diễn biến thị trường trong những phiên tới, chờ đợi các điểm mua hấp dẫn hơn để giải ngân. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm và ngưỡng hỗ trợ xa hơn là vùng quanh 1.220 điểm.