Liên kết đào tạo nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao

Add
Trong khuôn khổ Hội thảo về đào tạo Thương mại điện tử 2022, mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các trường đại học có đào tạo về thương mại điện tử trên cả nước. Mạng lưới nhằm kết nối, hợp tác triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử đáp ứng được nhu cầu “khát” nhân lực của thị trường…

'Liên kết đào tạo nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao'

lien-ket-dao-tao-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-chat-luong-cao-dulichgiaitri-bao-du-lich-12-edited-1662925420.jpg
Hội thảo đã đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển TMĐT trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 và xa hơn tới năm 2030, khả năng đáp ứng nhu cầu này từ các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, cùng với sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử trong những năm gần đây, việc thiếu hụt về nhân lực đã qua đào tạo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng quy mô Thương mại điện tử của Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây đều ở mức cao, có những năm lên tới 25 - 30%. Hai năm diễn ra dịch bệnh, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.

Trong khảo sát về Thương mại điện tử hàng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao, tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quy mô thị trường tăng cao thể hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ thương mại điện tử của người dân tăng cao, khiến doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để đáp ứng thị trường. Kéo theo đó là nhu cầu về nhân lực ngành này rất lớn.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam

lien-ket-dao-tao-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-chat-luong-cao-dulichgiaitri-bao-du-lich-2-1662925363.jpg
Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam
*HHDVTD: Hàng hóa dịch vụ tiêu dùng

Theo khảo sát về thương mại điện tử hàng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, bao gồm những trở ngại về giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn…

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia, ngang bằng với Singapore và Phillipines.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, sức bật và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rất cao, có phần nhỉnh hơn Indonesia. Trong đó, Việt Nam có nhân lực trẻ tuổi, năng động, khả năng ứng dụng công nghệ số cao, điều này tạo thuận lợi cho việc đào tạo nhân lực trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thế hệ GenZ của Việt Nam ngày nay cũng có tư duy mới, sáng tạo, phù hợp cho việc đào tạo thương mại điện tử, vốn là ngành nghề có sự vận động nhanh, mạnh và liên tục. Ngoài ra, khi thị trường phát triển nhanh sẽ tạo nên nhu cầu tuyển dụng lớn, với nhiều cơ hội việc làm có mức lương cao, thu hút sinh viên lựa chọn ngành học này.

Ghi nhận của VECOM cho thấy, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực thương mại điện tử là rất lớn.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Công Thương, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trển khai đào tạo thương mại điện tử; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Mặc dù vậy, đây mới chỉ là các mục tiêu về số lượng, nhưng đào tạo, còn cần chú trọng vào chất lượng, làm thế nào để nâng cao chất lượng ngành đào tạo thương mại điện tử, song song với việc gia tăng số lượng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trên thị trường?

Đối với mục tiêu này, bà Việt Anh kiến nghị: “Cần áp dụng mô hình kết nối 3 bên gồm cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo, với tính ứng dụng cao, phù hợp với các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”.

Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, việc đào tạo thương mại điện tử hiện còn nhiều khó khăn, trong đó có thể kế đến sự thiếu hụt của lực lượng giảng viên tại các trường đại học, đặc biệt là các trường mới mở ngành đào tạo về thương mại điện tử.

lien-ket-dao-tao-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-chat-luong-cao-dulichgiaitri-bao-du-lich-1-1662925346.jpg
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM cho rằng: Việc trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các trường đại học cũng như giữa các trường đại học với doanh nghiệp là vô cùng cần thiết

Theo ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM, nhiều trường đại học mới tiếp cận chuyên ngành này mong muốn nhận được sự trao đổi, giúp đỡ về giảng viên, đào tạo giảng viên và các học liệu từ các trường đại học lớn, đi đầu trong công cuộc tiếp cận và đào tạo thương mại điện tử. Do đó, ông Tâm cho rằng, việc trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các trường đại học cũng như giữa các trường đại học với doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.

Một mặt, các trường đại học đi trước có thể chia sẻ lại các chương trình đào tạo, học liệu, trao đổi, đào tạo giảng viên cho các trường tiếp cận sau. Mặt khác, các trường này cũng có thể tham khảo các hướng tiếp cận mới mẻ, riêng biệt của các trường phát triển sau để từ đó bổ sung, cải thiện thêm cho chương trình đào tạo của mình.

Ông Tâm chia sẻ rất ấn tượng với lối tiếp cận mới mẻ của các trường như Hoa Sen, Văn Hiến, Việt – Hàn, đều là những trường mới mở ngành thương mại điện tử. Trong khi đại học Hoa Sen chú trọng giảng dạy thương mại điện tử theo hướng tiếp cận từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thì đại học Văn Hiến lại tiếp cận theo hướng du lịch. Còn đại học Việt – Hàn lại đầu tư giảng dạy ngoại ngữ với định hướng có thể xuất khẩu các giải pháp quản lý, phát triển cho thương mại điện tử.

lien-ket-dao-tao-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-chat-luong-cao-dulichgiaitri-bao-du-lich-1662925346.jpg
Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu “khát” nhân lực của thương mại điện tử và kinh doanh số Việt Nam

Chính vì vậy, trong khuôn khổ Hội thảo, một mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử đã chính thức được công bố với sự tham gia của các trường đại học có đào tạo về thương mại điện tử trên cả nước. Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu “khát” nhân lực của thương mại điện tử và kinh doanh số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ tiếp tục cất cánh trong thời gian tới...

Trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký quyết định về việc thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử. Theo đó, mạng lưới được hình thành với 4 mục tiêu chính, gồm: Hình thành một mạng lưới kết nối các thành viên phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thương mại điện tử và kinh doanh số, đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn nhân lực chất lược cho sự phát triển của ngành; Huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên hiệp hội, các thành viên mạng lưới giúp gắn kết đào tạo với thực tiễn; Hỗ trợ thúc đẩy phát triển đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thương mại điện tử; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên nghiệp về thương mại điện tử và kinh doanh số.

ANH HOA