Hội thảo với sự chủ trì của Lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, đại diện Ban Giám đốc Sở Du lịch Thành phố, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn Hiến và sự tham dự của gần 200 khách mời là Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch 23 tỉnh, thành phố, đại diện các sở, ban ngành Thành phố, đại diện UBND 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đại diện các cơ sở đào tạo du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch cùng các cơ quan truyền thông và đông đảo sinh viên ngành du lịch.
Thiếu và yếu
Hội thảo tập trung thảo luận vào 4 vấn đề quan trọng: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 và Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Phát triển các loại hình du lịch đặc thù.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch của ngành Du lịch Việt Nam chiếm khoảng 42%/tổng số lao động toàn ngành, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao động trong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau.
Riêng tại Tp.HCM, báo cáo tại Hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết: “Với lợi thế là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch lớn của cả nước, số lượng các cơ sở đào tạo du lịch các cấp ở Tp.HCM (hơn 70 cơ sở đào tạo du lịch các cấp) chiếm tỷ lệ cao so với các tỉnh thành ở khu vực phía Nam (192 cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước) hàng năm cung cấp khoảng 17% lực lượng lao động du lịch có tay nghề, có trình độ chuyên môn phù hợp cho các tỉnh/ thành phía Nam và cho ngành du lịch cả nước”.
Cũng theo bà Hiếu, với trang thiết bị phục vụ cho công tác thực hành luôn được các cơ sở đào tạo đầu tư nâng cấp và đội ngũ giảng viên (giảng viên chính thức, giảng viên doanh nghiệp, các chuyên gia của các lĩnh vực, ....) tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch có trình độ chuyên ngành được đào tạo trong nước và quốc tế, có kinh nghiệm, có tâm huyết trong việc đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức cho thế hệ trẻ. Vì vậy, các cơ sở đào tạo du lịch của Tp.HCM thu hút hàng ngàn học sinh, người lao động đến từ Tp. HCM và các tỉnh/ thành khác tham gia các chương trình đạo tạo dài hạn, ngắn hạn, các chương trình bồi dưỡng nghề du lịch từ sơ cấp đến cao học.
Ngoài ra, Tp.HCM cũng tập trung số lượng doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ du lịch nhiều nhất cả nước, do đó cũng đã thu hút số lượng người lao động trẻ nhập cư đến từ các tỉnh/ thành làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, phần lớn sinh viên, học sinh sau các khóa đào tạo nghề đều có nhu cầu ở lại Tp.HCM để làm việc do có thể tìm việc làm vì có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh việc dịch vụ du lich.
Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức: sự phân bố lao động du lịch không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa giữa các vùng, miền và địa bàn trọng điểm du lịch; lao động chưa qua đào tạo chính quy và lao động trái ngành đang chiếm tỷ trọng lớn hơn số lao động được đào tạo chính quy về du lịch (58% so với 42%).
Đơn cử, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có hơn 85% lao động trong ngành Du lịch chưa qua đào tạo. Trong số đã qua đào tạo chưa tới 1% có chứng chỉ, khoảng 1% có bằng nghề, hơn 2% có bằng trung cấp, gần 3% có bằng cao đẳng, đại học và sau đại học.
Làm gì để phát triển nguồn nhân lực?
Nói về sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19, PGS-TS Ngô Văn Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Đó là giải pháp về hoàn thiện cơ chế liên kết đào tạo; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một khâu trong quá trình đào tạo; điều chỉnh khung chương trình đào tạo giảm phần lý thuyết, tăng số tiết thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm; coi hoạt động thực tập, thực tế là một mặt của quá trình đào tạo; làm tốt công tác dự báo để đào tạo theo nhu cầu thị trường thời hậu Covid-19”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Anh Tuấn, Research Management and International Cooperation Division, INSTITUTE FOR TOURISM DEVELOPMENT RESEARCH (ITDR) cho rằng: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch, việc đưa ra giải pháp giữ chân và phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu phục vụ khách trong thời gian tới được xem là yêu cầu cấp thiết. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với các lĩnh vực nghề nghiệp trong ngành du lịch. Những yêu cầu và xu hướng mới đòi hỏi lực lượng lao động phải tự trau dồi, học hỏi và được bảo vệ. Khuyến nghị của quốc tế có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với việc đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới”.
Một số chuyên gia, diễn giả cũng nhấn mạnh các biện pháp khắc phục hậu quả do Covid 19 như: chính sách tài khóa; tiền tệ; hỗ trợ về việc làm và đào tạo lao động; hợp tác công – tư trong phát triển du lịch; tái khởi động du lịch; tái cấu trúc thị trường là vô cùng cần thiết, trong đó các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao có ý nghĩa quyết định để đưa du lịch phục hồi trở lại và hội nhập với quốc tế… cũng cần phải triển khai.
Theo bà Hiếu, từng tỉnh/ thành chủ động rà soát nhu cầu thực tiễn và đề xuất các nội dung cần được đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng Kế hoạch và kinh phí tổ chức tại địa phương, Sở Du lịch Tp.HCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên và xây dựng nội dung phù hợp với yêu cầu của từng địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động có thể được tham gia, tiếp cận những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời giảm kinh phí đi lại của học viên khi tham gia chương trình.
Đối với các cụm du lịch, các cụm thống nhất các nội dung để tổ chức chương trình tập trung cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và cập nhật những kiến thức mới về công tác quản lý và phát triển sảm phẩm. Thời gian tập trung một chuyên đề (nội dung)/ chương trình mang tính chuyên sâu, đạt hiệu quả.
Tổ chức theo hình thức đào tạo người huấn luyện đào tạo: các tỉnh, thành phố cử một số nhân viên, giảng viên học tại các cơ sở đào tạo tại Tp.HCM về các chuyên ngành cần thiết trong lĩnh vực còn thiếu và trở về đào tạo lại lực lượng lao động tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Qúy Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, trước hết các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành Du lịch. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch. Cần xây dựng chiến lược lâu dài cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, các mạng công nghệ 4.0; nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành Du lịch, đáp ứng yêu cầu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cần xem xét rà soát, phát triển ngành/chuyên ngành/nghề đào tạo lĩnh vực du lịch vì thực tế đại dịch COVID-19 đã tạo ra những xu hướng du lịch mới, đòi hỏi cần có những vị trí ngành nghề mới đáp ứng phục vụ nhu cầu khách du lịch. Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục khác có tham gia đào tạo du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng tính thực tiễn trong đào tạo và tăng tối đa thời gian thực hành, thực tập ngay năm đầu tiên của chương trình học. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác giữa các địa phương trong cùng khu vực, xác định hợp tác đào tạo phát triển nhân lực du lịch là một trong những vấn đề ưu tiên then chốt.
Ngoài ra, Hội thảo còn đón nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường Đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn. trong đó, đa phần diễn giả, đại biểu đều nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện. Số lượng du khách cũng như doanh thu du lịch đã sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.
Việt Nam nói chung, tại Tp.HCM nói riêng, vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.
Thanh Tùng