Hỗ trợ sinh viên y khoa, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo
Phát biểu tại phiên họp thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 29/5, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị, Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước.
Như vậy, vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sỹ.
Cùng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, được nhấn mạnh tại văn kiện đại hội Đảng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.
Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chỉ thị 21/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
Bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Xem xét có cơ chế, chính sách riêng đặc thù với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật và thể thao
Phát biểu tại phiên thảo luận về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Thứ nhất: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cho phép các trường đại học được giãn thời gian thực hiện lộ trình tự chủ, sớm ban hành hướng dẫn về nguyên tắc, cách tính định mức kỹ kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho các địa phương và các cơ sở giáo dục thực hiện. Đồng thời thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, đại biểu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 151 về quản lý tài sản công, Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 120 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để các cơ sở sự nghiệp công lập vận dụng vào thực tiễn khi tổ chức thực hiện.
Thứ ba, Nhà nước đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo đà phát triển.
Thứ tư, cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ theo quy định, đánh giá kết quả của các đơn vị, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực đào tạo, nghệ thuật và thể thao là hai ngành rất đặc thù nên đề xuất hai lĩnh vực này chỉ tự chủ ở mức 3 là tự chủ một phần bởi các trường này có quy mô nhỏ, số lượng tuyển sinh đầu vào không đông do phải tuyển chọn học sinh có năng khiếu, chi phí đào tạo cao, thời gian đào tạo dài dẫn đến việc thu học phí của người học gặp khó khăn. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ đó, đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách riêng đặc thù với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật và thể thao, sớm phê duyệt nghị định đào tạo chuyên sâu đặc thù đối với lĩnh vực nghệ thuật để đảm bảo cho các cơ sở đào tạo này phát huy được chất lượng và hiệu quả.
Ngoài ra, theo đại biểu Dương Minh Ánh, trong báo cáo Chính phủ có nêu nguồn lực đầu tư cho giáo dục dạy nghề còn hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế thế nào, vướng vướng mắc ra sao thì trong báo cáo không nêu rõ nên đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo nguyên nhân, lý do tồn tại, hạn chế này và nêu giải pháp khắc phục. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bố trí đủ ngân sách chi cho giáo dục và dạy nghề.
Thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho biết, Nghị quyết 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt rõ mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất Châu Á. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với chính sách tự chủ đại học là khâu đột phá trong phát triển, nhờ đó hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều thay đổi.
Từ mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đã dần được xây dựng định hướng theo các chuẩn mực quốc tế, phát huy tối đa năng lực tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, thành quả về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ nhân lực nghiên cứu, chiếm tới hơn 50 % tổng nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam.
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó Luật Khoa học, công nghệ quy định nhà nước bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, năm 2023 chi sự nghiệp cho khoa học công nghệ chiếm 0,58% tổng chi ngân sách. Trong đó việc phân bổ ngân sách vẫn còn dàn trải, chưa vận hành tốt; còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý về đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách. Trong các cơ sở giáo dục đại học, chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mực; chưa có cơ chế đột phá để các cơ sở giáo dục đại học thu hút, sử dụng nhân tài là các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học lớn...
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao trong trường đại học, đại biểu cho rằng, đầu tư từ nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực, sản phẩm sáng tạo.
Đồng thời có cơ chế nuôi dưỡng, tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có tầm ảnh hưởng lớn; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học bằng các nguồn thu chủ động.
Hải Liên