Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ về mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ trương của Đảng về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi là một bước tiến đầy ý nghĩa.
Đây là lần đầu tiên, phổ cập giáo dục được mở rộng xuống tận lứa tuổi mẫu giáo nhỏ – một quyết định không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về phát triển con người từ sớm.
Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét một khoản đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2026–2030. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, việc dành một nguồn lực lớn như vậy cho trẻ mầm non không chỉ cho thấy sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực, mà còn phản ánh tư duy phát triển mới – lấy giáo dục sớm làm nền móng để xây dựng tương lai đất nước.

Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi, với nguồn lực đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng, là một dấu mốc đậm nét trong tư duy phát triển của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta
Một quyết định mang tính thời điểm và chiến lược
Việt Nam đang bước vào giai đoạn "dân số vàng", nhưng cửa sổ cơ hội không mở mãi. Nếu không đầu tư sớm, bài bản cho thế hệ trẻ hôm nay, thì mai sau chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự tụt hậu về năng suất, trí tuệ và vị thế. Giáo dục mầm non là nền tảng đầu tiên – nơi định hình khả năng tư duy, cảm xúc và xã hội của con người.
Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định: 90% não bộ của trẻ em phát triển hoàn chỉnh trước tuổi lên sáu. Giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi chính là "cửa sổ vàng" để phát triển ngôn ngữ, nhận thức và nhân cách. Một khởi đầu công bằng, chất lượng cho mọi đứa trẻ sẽ là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy còn nhiều bất cập: Tỉ lệ trẻ từ 3 đến 4 tuổi đến trường vẫn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; cơ sở vật chất còn thiếu; giáo viên chưa đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc mở rộng phổ cập không chỉ để lấp đầy những khoảng trống ấy, mà còn gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ: Nhà nước sẽ đồng hành với trẻ em ngay từ những bước đầu đời. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, cần bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về giáo dục với tất cả mọi người.
Những điểm mới và đột phá trong chính sách
Chủ trương lần này có nhiều điểm mới mang tính đột phá:
Thứ nhất, phổ cập từ 3 tuổi là một thay đổi mang tính bước ngoặt. Không còn giới hạn ở trẻ 5 tuổi, chính sách mới thể hiện rõ chuyển biến trong tư duy phát triển con người: không đợi đến tiểu học mới quan tâm, mà bắt đầu ngay từ giai đoạn nền tảng.
Thứ hai, chính sách đi kèm hỗ trợ tài chính cho trẻ em và giáo viên – từ học phí, tiền ăn, đến đầu tư cơ sở vật chất và biên chế. Đây là sự đảm bảo về mặt điều kiện thực thi, chứ không dừng lại ở định hướng trên giấy.
Thứ ba, lộ trình triển khai được thiết kế có bước đi thận trọng: thí điểm trong 3 năm học, sau đó nhân rộng đại trà. Cách làm này giúp các địa phương có thời gian chuẩn bị và thích nghi, đồng thời tạo dư địa để đánh giá hiệu quả chính sách trước khi mở rộng toàn diện.
Đặc biệt, tư duy quản trị công cũng đã thay đổi căn bản: từ coi giáo dục mầm non là một chính sách phúc lợi, sang nhìn nhận đó là một khoản đầu tư chiến lược, sinh lời cao về kinh tế và xã hội.
Ý nghĩa sâu xa của khoản đầu tư 116 nghìn tỷ đồng
Không khó để thấy rằng, đằng sau con số hơn 116.000 tỷ đồng là một hệ giá trị sâu sắc:
Trước hết, đây là đầu tư cho chất lượng dân số và nguồn nhân lực, điều kiện cốt lõi để Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Thứ hai, chính sách giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm thu nhập, qua đó củng cố tính bao trùm và công bằng xã hội – những yếu tố giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đồng thuận quốc gia.
Thứ ba, xét về hiệu quả đầu tư, nhiều tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận xã hội của giáo dục mầm non cao hơn bất kỳ cấp học nào. Mỗi đồng chi hôm nay có thể tiết kiệm hàng chục đồng chi phí an sinh xã hội, y tế và an ninh sau này.
Và quan trọng nhất, đây là biểu hiện sinh động cho khát vọng vươn mình của một dân tộc hướng tới tương lai – bằng cách gieo mầm tri thức và nhân cách ngay từ lớp học mẫu giáo.
Một vài gợi mở để triển khai hiệu quả hơn
Để chủ trương đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và cơ chế thực hiện. Việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho phân bổ nguồn lực và giám sát thực hiện.
Chính phủ có thể cân nhắc phân loại địa bàn theo mức độ sẵn sàng, từ đó áp dụng lộ trình phù hợp. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên mầm non cần được đặt vào trung tâm của chính sách, không chỉ về đãi ngộ mà còn về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và hỗ trợ đời sống.
Việc xã hội hóa giáo dục mầm non cũng nên được khuyến khích theo hướng có kiểm soát, bảo đảm mọi trẻ em – không phân biệt hoàn cảnh – đều có quyền tiếp cận giáo dục sớm chất lượng. Và hơn hết, việc sử dụng ngân sách cần được công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát độc lập, để củng cố niềm tin xã hội và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Tương lai bắt đầu từ hôm nay
Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi, với nguồn lực đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng, là một dấu mốc đậm nét trong tư duy phát triển của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta. Đó không chỉ là một chính sách giáo dục, mà là một tuyên ngôn về trách nhiệm và khát vọng đối với tương lai đất nước – nơi mỗi đứa trẻ, dù ở miền xuôi hay miền ngược, đều được bắt đầu hành trình cuộc đời bằng một khởi đầu công bằng và đầy yêu thương. Đây cũng thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Giáo dục mầm non là nơi ươm mầm trí tuệ, thể lực, nhân cách và cảm xúc. Đầu tư cho giáo dục mầm non không tạo ra kết quả tức thời, nhưng là đầu tư bền vững nhất, sinh lợi cao nhất và tạo nên những chuyển biến âm thầm nhưng căn bản cho quốc gia. Sự phát triển của đất nước trong 20, 30 năm tới sẽ được định hình từ những lớp học mẫu giáo hôm nay – nơi những công dân tương lai đang học cách lắng nghe, chia sẻ, tư duy và mơ ước.
Một quốc gia muốn đi xa, trước hết phải biết đi sớm. Và đi sớm nhất, chính là đi từ những bước đầu tiên của trẻ thơ, đầu tư và ươm mầm ước mơ cho những đứa trẻ. Trong tinh thần đó, chủ trương lần này của Đảng là một quyết sách lịch sử, một cam kết lâu dài, và một biểu hiện sinh động của tầm nhìn kiến tạo vì con người.
Bởi tương lai đất nước không bắt đầu từ những công trình bê tông, mà bắt đầu từ ánh mắt trong veo, tiếng hát bi bô và những đôi chân lon ton của những em nhỏ trong lớp học mầm non hôm nay./.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng