
Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển. Ảnh: VGP/DA
Chiều nay (18/4), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.
Hội thảo tập trung vào 4 nội dung lớn đó là: Bối cảnh lịch sử tác động đến nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua; phân tích, đánh giá thực trạng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; những vấn đề đặt ra đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo đã nhận được 138 tham luận đến từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Nội dung các tham luận đã đề cập, phản ánh nhiều vấn đề, từ bối cảnh lịch sử, văn hóa, đến sự phát triển, kết quả và những đóng góp của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước; đồng thời nêu những khuyến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các tham luận tại Hội thảo từ nhiều góc độ tiếp cận đã thống nhất khẳng định: Văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới sâu sắc, toàn diện và đạt được những thành tựu quan trọng. Tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, văn học nghệ thuật Việt Nam không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức sáng tạo, có nhiều tác phẩm hấp dẫn, sinh động, sâu sắc về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và hiện thực đời sống, trong đó có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Các loại hình văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, sân khấu, múa… đều có những bước đổi mới quan trọng về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ nghệ thuật, thể nghiệm các xu hướng đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng,
Văn học nghệ thuật nửa thế kỷ qua đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời là sợi dây bền chặt cố kết lòng người, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiếnPhát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương mong muốn các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các nội dung Nghị quyết Đại hội XIV tới đây về văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lý luận, phê bình tiếp tục nghiên cứu, nhận diện đầy đủ hơn nữa quy luật và các xu hướng vận động; đặc biệt đi sâu phân tích những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.
Đống chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong triển khai thực hiện, chúng ta cần nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật. Khẳng định vai trò kết tinh, hội tụ và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, tư tưởng của cha ông; nghiên cứu thấu đáo lý luận văn nghệ Mác-Xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, đồng thời tiếp thu hiệu quả tinh hoa lý luận nhân loại trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận xây văn nghệ và hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.
Đồng chí đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30/12/2024. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
Đồng thời, trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách cần đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, sát thực tế; trọng tâm là đảm bảo tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiếp tục xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện; đảm bảo cho văn nghệ sĩ nắm vững, thấm nhuần quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin, thống nhất nhận thức và chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện; đồng thời kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Ngay sau Hội thảo, Ban Tổ chức và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng kết quả Hội thảo, gắn với tuyên truyền đồng bộ về các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước. Bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiện đại, tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của văn học, nghệ thuật và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà; giới thiệu đến công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc 50 năm qua, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.
Diệp Anh