Lo ngại xảy ra làn sóng COVID-19 mới

Hoàng Huyền
Nhiều quốc gia châu Âu đang lo ngại làn sóng COVID-19 mùa Hè; tình hình dịch ở châu Á cũng đang có diễn biến mới. Các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

lo-ngai-xay-ra-lan-song-covid-19-moi1-dulichgiaitri-doi-song-1656253132.jpg
Tính đến ngày 23/6, Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau, cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại - Ảnh: VGP/Hiền Minh

2 yếu tố khiến số ca nhiễm COVID-19 mới tăng lên

Tính đến ngày 24/6, trên thế giới ghi nhận hơn 547,5 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,34 triệu ca tử vong.

Tại châu Á, Macau (Trung Quốc) có những diễn biến mới, cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm bắt buộc lần thứ 2 đối với toàn bộ người dân sau khi phát hiện 71 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 22/6. Trong khi đó, ngày 17/6, tại Hong Kong thông báo ghi nhận 1.145 ca mắc mới COVID-19, đây là ngày thứ 3 liên tiếp Hong Kong ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Philippines cũng cảnh báo về làn sóng dịch COVID-19 mới khi số ca mắc mới trong nước tăng liên tục. Trong tuần trước, nước này ghi nhận khoảng 2.458 ca mắc, tăng 70%, trong đó riêng vùng thủ đô Manila số ca mắc tăng gấp đôi.

Số ca nhiễm mới tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng tăng hơn 1.500 ca/ngày ghi nhận được trong 4 ngày qua (tính đến ngày 18/6). Số ca mắc mới theo ngày trên cả nước Ấn Độ cũng cùng xu hướng này, gần chạm mức 13.000 ca.

Ngày 20/6, Israel thông báo đã ghi nhận 10.200 ca mắc, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay. Hệ số R - chỉ số lây lan từ một bệnh nhân cho những người khác, đã lên mức 1,32, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó. Số ca bệnh chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh, với 168 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong đó 32 bệnh nhân phải đặt nội khí quản và 2 bệnh nhân phải can thiệp sâu bằng máy ECMO. Chỉ số trên cho thấy, số ca bệnh chuyển nặng đã tăng nhanh so với tuần trước.

Tại châu Âu, ngày 22/6, Italy thông báo số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trong tuần thứ ba liên tiếp sau 8 tuần giảm. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là hơn 200.000 ca/ngày hồi tháng 1/2022.

lo-ngai-xay-ra-lan-song-covid-19-moi2-dulichgiaitri-doi-song-1656253157.jpg
Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống COVID-19. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Tại Pháp, số ca mắc mới tăng dần từ cuối tháng 5, với trung bình số ca mắc mới trong giai đoạn 7 ngày đã tăng gần gấp 3 lần, từ mức khoảng 17.705 ca công bố ngày 27/5 lên mức 50.402 ca công bố ngày 21/6. Số người nhập viện vì COVID-19 tại Pháp ngày 18/6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, với hơn 13.000 ca nhưng sau đó tăng thêm 458 ca trong 3 ngày qua, lên mức 14.334 ca, cao nhất trong 3 tuần trở lại đây. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp cũng tăng thêm 56 ca trong ngày 21/6 lên mức 149.162 ca.

Bồ Đào Nha cũng đang chứng kiến làn sóng dịch gia tăng do 2 dòng phụ của biến thể Omicron gồm BA.4 và BA.5 gây ra.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng, 2 dòng phụ này nhiều khả năng sẽ trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại khu vực. Theo các chuyên gia dịch tễ tại châu Âu, có 2 yếu tố có thể khiến số ca nhiễm mới tăng lên. Đó là sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian và các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 vừa dễ lây lan hơn vừa có khả năng "trốn" khả năng miễn dịch tốt hơn.

Tại nước ta, tính đến ngày 24/6, cả nước ghi nhận 10.742.234 ca mắc, trong đó 10.736.037 ca trong nước. Đến nay đã có 9.637.275 người khỏi bệnh, 43.084 ca tử vong. Bộ Y tế nhận định, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

Vaccine COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả nhất

Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và chuyển sang bình thường mới, tuy nhiên không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ tăng số mắc trở lại. Do đó, chúng ta cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến ngày 24/6, nước ta đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau, đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer. Đến hết ngày 23/6, cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại.

Tuy nhiên, hiện nay tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 tại nhiều địa phương còn chậm, có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại tuyến Trung ương và một số địa phương, dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng.

Nguyên nhân do sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ sau khi mắc bệnh và cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Bên cạnh đó, thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

"Hiện nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine này giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ phòng bệnh, chúng ta cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế", GS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Việt Nam cũng cho biết, vaccine phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoàn toàn cần thiết.

"Nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới", PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Hiền Minh