Mãn kinh, tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Admin
(PNTĐ) - Mãn kinh nghe có vẻ đáng sợ, nhưng sự thật là giai đoạn tiền mãn kinh mới là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với phụ nữ. Trong thời kỳ này, những thay đổi về hormone gây ra hàng loạt triệu chứng khó chịu như rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, và thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, thay vì lo lắng khi giai đoạn này đến, bạn hoàn toàn có thể chủ động kéo dài tuổi thanh xuân và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tin liên quan

Vắc-xin: Vũ khí mới trong dự phòng sốt xuất huyết tại Việt Nam

Ngày Dinh Dưỡng Cộng Đồng Việt Nam khuyến khích lối sống năng động lành mạnh

9.000 người tham gia giải chạy VnExpress Marathon Hạ Long 2024

Dấu hiệu nhận biết 

Theo các bác sĩ của Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh, tuy nhiên, nhiều phụ nữ thường dễ bỏ qua các dấu hiệu sức khỏe quan trọng trong thời kỳ này. Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài cho đến khi buồng trứng ngừng hoàn toàn việc giải phóng trứng.

Trong giai đoạn này, nồng độ hormone Estrogen trong cơ thể bắt đầu giảm dần, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe. Đặc biệt, vào khoảng 1-2 năm cuối của tiền mãn kinh, sự sụt giảm Estrogen diễn ra nhanh hơn, dẫn đến các triệu chứng rõ rệt hơn.

Mãn kinh, tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị - ảnh 1
 Bốc hỏa là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ mãn kinh. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, mãn kinh là hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ xảy ra khi nồng độ estrogen giảm, là tình trạng hết hẳn kinh nguyệt vĩnh viễn do sự suy giảm sinh lý, tự nhiên và không hồi phục của hoạt động buồng trứng.

Tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 45-55, trước 40 tuổi được xem là mãn kinh sớm, sau 55 tuổi được xem là mãn kinh muộn. Hiện tượng mãn kinh là tình trạng vô kinh ở người phụ nữ trong ít nhất 12 tháng.

Dấu hiệu mãn kinh nhận biết, đó là tùy cơ địa cũng như sức khỏe mà mỗi người phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi khác nhau về sức khỏe cũng như độ tuổi xuất hiện các dấu hiệu. Có người bắt đầu thời kỳ này từ 30 - 40 tuổi nhưng lại có người chỉ 60 tuổi mới bước vào thời kỳ mãn kinh quá.

Một số dấu hiệu bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt và sinh sản; Chu kỳ kinh bất thường; Khả năng sinh sản giảm; Triệu chứng về thể chất; Xuất hiện các cơn bốc hỏa khiến cho nữ giới có cảm giác mặt nóng bừng bừng; Hay đổ mồ hôi trộm buổi đêm; Giấc ngủ bị rối loạn; Tim đập nhanh; Nhức đầu; Đau nhức khớp, cơ và xương; Tăng cân; Rụng tóc hoặc tóc mỏng; Thay đổi về sức khỏe sinh dục; Âm đạo có nhiều biến đổi; Giảm ham muốn tình dục; Thay đổi về tâm lý và trí nhớ; Thay đổi về tính khí và vẻ bề ngoài; Khó tập trung hoặc suy giảm, mất trí nhớ tạm thời.

Nguyên nhân gây mãn kinh sớm

Cũng theo các bác sĩ của Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, Mãn kinh sớm chiếm tỷ lệ khoảng 5% đến 10% số phụ nữ có triệu chứng vô kinh thứ phát. Ước tính có khoảng 0,3% đến 0,9% phụ nữ bị mãn kinh sớm.

Tại Trung tâm Y học Giới tính còn ghi nhận có một số trường hợp mới chỉ 25-27 tuổi đã gặp phải các dấu hiệu điển hình. Một số yếu tố tác động như: Hút thuốc lá: với những phụ nữ hút thuốc lá, thời kỳ tiền mãn kinh có thể đến sớm hơn 1 – 2 năm so với người không hút thuốc lá; Lịch sử gia đình. Phụ nữ có xu hướng xuất hiện thời kỳ mãn kinh khoảng cùng tuổi với mẹ và chị em của họ, mặc dù mối liên hệ giữa lịch sử gia đình và tuổi mãn kinh vẫn không thuyết phục; Không sinh em bé.

Mãn kinh, tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị - ảnh 2

Ths.BS nội trú Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội khám tư vấn cho bệnh nhân.

Một số nghiên cứu cho thấy không có em bé có thể đóng góp vào thời kỳ mãn kinh sớm; Hóa xạ trị: Những liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị… có thể gây ra các triệu chứng mãn kinh ngay sau quá trình điều trị; Suy buồng trứng sớm: Buồng trứng là cơ quan đảm nhận vai trò nuôi dưỡng trứng trưởng thành rồi phóng thích trứng, kết hợp với tinh trùng để diễn ra quá trình thụ thai.  

Phương pháp điều trị

Các bác sĩ của Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội cho biết, điều trị mãn kinh có những liệu pháp dưới đây:

-Liệu pháp nội tiết ở phụ nữ mãn kinh

Nguyên nhân chính của các rối loạn tuổi mãn kinh là sự giảm estrogen buồng trứng. Vì người phụ nữ sau mãn kinh còn sống nhiều năm nữa nên cần điều trị nội tiết thay thế nếu có nhu cầu. Người ta gọi là “Liệu pháp nội tiết thay thế” là cách dùng estrogen có kết hợp hay không với progestogen để bù vào nguồn estrogen nội sinh bị thiếu hụt.

-Các phương pháp điều trị

Liệu pháp estrogen và liệu pháp estrogen phối hợp progestogen
Liệu pháp estrogen có hiệu quả trong việc cải thiện những triệu chứng mãn kinh như: rối loạn vận mạch, triệu chứng niệu dục, rối loạn giấc ngủ, cáu gắt, buồn chán và chứng đau xương khớp. Ngoài ra liệu pháp estrogen có thể phòng ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, giảm nguy cơ gãy xương ở phụ nữ lớn tuổi và điều trị viêm teo âm đạo.

Liệu pháp progestogen-estrogen: Một trong những mối quan tâm nhất về việc thay thế estrogen là sự xuất hiện của tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư. Kết hợp estrogen-progestogen trị liệu làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư nội mạc tử cung. Progestogen làm giảm số lượng các thụ thể estrogen ở các tế bào tuyến và mô đệm của nội mạc tử cung.

Mãn kinh, tiền mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị - ảnh 3

Ăn nguyên liệu thực vật ít chất béo, kèm nửa chén đậu nành hàng ngày, giúp giảm triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Ảnh: SCMP

-Liệu pháp không dùng nội tiết

Bổ sung Phytoestrogen: Phytoestrogen là một estrogen thực vật có chức năng tương tự như hormon sinh dục nữ estrogen. Phytoestrogen có mặt ở trên 300 loài thực vật, trong đó đậu nành chứa nhiều phytoestrogen nhất. Phytoestrogen gồm có 3 nhóm chính: Isoflavon có trong đậu nành và một số đậu khác, có chứa daidzein, genistin, glycitin. Lignans được tìm thấy trong hầu hết ngũ cốc, rau, đậu và đặc biệt có hàm lượng cao trong cây lanh. Coumestan có trong hạt hướng dương, giá, đỗ.

Bổ sung Vitamin E: Vitamin E được ghi nhận trong điều trị bốc hỏa vào những năm 1940. Nghiên cứu cắt ngang vào năm 1998 trên 120 phụ nữ sử dụng viatamin E với 35 liều 800IU/ngày trong vòng 4 tuần thì nhận thấy rằng vitamin E đã làm giảm 1cơn bốc hỏa/ngày. Trong những năm gần đây, có những tranh luận về nguy cơ gây ung thư của vitamin E, tuy nhiên có báo cáo đã chứng minh rằng vitamin E không có nguy cơ gây ung thư

Bổ sung Calcium và vitamin D: Phơi nắng có hiệu quả trong duy trì mức viatamin D trong huyết tương và có lẽ chỉ khi không chịu phơi nắng quá nhiều mới dẫn đến mức vitamin D huyết thanh bất thường. Những người già trong nhà suốt ngày và người được chăm sóc thường xuyên ở nhà có nguy cơ thiếu hụt vitamin D, đối với những người này nên bổ sung vitamin D 400UI/ngày. Mặc dù giảm vitamin D về cận lâm sàng có thể làm người già dễ bị gãy xương chậu như là do sự mất xương ở vỏ xảy ra sớm hơn, một lượng thừa vitamin D có thể có hại hơn nhiều vì nó gây ra tăng calci niệu và làm mất calci ở vỏ xương nhiều hơn.

Đối với phụ nữ mãn kinh, lượng calci cần thiết mỗi ngày khoảng 1200-1500mg. Đối với phụ nữ sau 60 tuổi, để dự phòng loãng xương sau mãn kinh, lượng calci cần thiết mỗi ngày khoảng 1000 – 1200mg và bổ sung vitamin D khoảng 800 – 1000IU cho những người sống ở vùng thiếu ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp giảm một số triệu chứng của mãn kinh cũng như thúc đẩy sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, bạn nên thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để hiểu rõ về lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của từng biện pháp. Việc này giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho sức khỏe và tình trạng cá nhân.