Màu ảm đạm bao trùm lên bức tranh tài chính ngành thủy sản

Admin
Trái ngược với tín hiệu tích cực thị trường, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành thủy sản chưa thật sự khả quan với mức tăng trưởng chậm, thậm chí báo lãi đi lùi…

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao.

Riêng đối với mặt hàng tôm, nửa đầu năm nay mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra đạt 922 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Theo Cục Thủy sản, tuy có cải thiện về nhu cầu của các thị trường, nhưng giá xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành thủy sản đều ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể, song dưới áp lực từ giá nguyên liệu tăng, giá bán thấp và một loạt các khoản chi phí phát sinh đã khiến lợi nhuận của nhóm công ty trên bị co hẹp.

Tăng trưởng âm vì gánh nặng chi phí

Cụ thể, là doanh nghiệp cá tra có vốn niêm yết lớn nhất sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng vẫn báo lãi đi lùi dưới tác động của giá sản phẩm cá tra lao dốc.

Theo đó, quý II/2024, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 3.196 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận sụt giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp trong kỳ của Vĩnh Hoàn giảm 20% xuống còn 462 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty trong quý II/2024 đều phát sinh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chi phí tài chính của công ty đạt 57 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đạt 141 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 23%.

Sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi 336 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Lý giải kết quả sản xuất kinh doanh, công ty cho biết, lợi nhuận tiếp tục suy giảm là do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 6.051 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 525 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng nằm trong nhóm các doanh nghiệp cá tra, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia IDI (HoSE: IDI) cũng ghi nhận tình hình tương tự. Cụ thể, doanh thu thuần của IDI trong quý II/2024 đạt 1.934 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Do giá vốn hàng bán tăng mạnh, vượt qua biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận giảm nhẹ xuống còn 154 tỷ đồng.

Trong kỳ, do chi phí vận chuyển, giá cước tàu cao đã đẩy chi phí bán hàng của công ty lên 46 tỷ đồng, tăng 42%. Ngoài ra, các khoản thu nhập khác của IDI cũng sụt giảm 45% xuống còn gần 3 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Thủy sản IDI báo lãi 18 tỷ đồng, giảm 31% so với quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, IDI ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.564 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Sau thuế công ty báo lãi 35 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 12% kế hoạch lợi nhuận.

Nhóm doanh nghiệp thủy sản vượt lỗ

Là những điểm sáng trong bức tranh ngành thủy sản nhưng Minh Phú hay Nam Việt dù ghi nhận kinh doanh cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự thực sự bứt phá.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) công ty thậm chí không hoàn thành nổi 5% mục tiêu lợi nhuận đề ra dù đã thoát lỗ, báo lãi trở lại.

Cụ thể, "vua tôm" Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần trong quý II/2024 đạt 3.737 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của công ty cũng ghi nhận tăng tới 2,6 lần lên 32 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 39% lên 70 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú đạt 38,4 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Minh Phú cho biết, nguyên nhân là nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của tập đoàn trong kỳ bắt đầu có hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Thủy sản Minh Phú đạt 6.488 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 45 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 88 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước - nhưng mới chỉ thực hiện 3,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc: Kỳ vọng bứt phá cuối năm

Còn tại Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV), dù ngược dòng báo lãi trong quý II/2024, nhưng khoản lợi nhuận "mỏng" không thể bù đắp cho thất thoát trong quý trước đó khiến kết quả nửa đầu năm vẫn đi lùi.

Cụ thể, quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.193 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng cao nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Nam Việt trong quý tăng gấp 2,9 lần lên 143 tỷ đồng.

Kết quả, Nam Việt báo lãi 17,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 51 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 2.209 tỷ đồng, giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2023. Kết quả, doanh nghiệp ngành thủy sản này báo lãi 34 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.