Mở cửa thị trường: Động lực nào cho nông sản Việt?

Admin
Trong 11 tháng năm 2024, ngành nông lâm thủy sản ghi nhận thặng dư thương mại đạt 16,46 tỷ USD, tăng 53% với lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng chủ lực đóng góp lớn.

Sáng 4/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2024 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Thặng dư thương mại đạt gần 16,5 tỷ USD

Tại buổi họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng, con số này đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ".

Mở cửa thị trường: Động lực nào cho nông sản Việt?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Trong đó, nông sản tiếp tục dẫn đầu với giá trị 29,78 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm trước. Thủy sản và lâm sản cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể, lần lượt đạt 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%) và 15,59 tỷ USD (tăng 19,6%). Ngành chăn nuôi, sau nhiều năm gặp khó khăn, đã bắt đầu có sự cải thiện rõ nét với kim ngạch xuất khẩu đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%.

"Tổng đàn lợn cả nước tính đến tháng 11/2024 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định cho các dịp lễ, Tết", Thứ trưởng bổ sung.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 năm 2024 ước đạt 444,9 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 5,31 tỷ USD, tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Song song với đó, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 năm 2024 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 11, hoạt động trồng trọt tập trung vào công tác hoàn tất thu hoạch lúa Mùa và lúa Thu Đông; triển khai gieo cấy lúa Đông Xuân đối với các tỉnh phía Nam và gieo trồng các loại cây màu vụ Đông tại các địa phương phía Bắc, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2025 tại các tỉnh phía Bắc.

Chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu tăng trưởng, các địa phương đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, tập trung phát triển đàn lợn và gia cầm nhằm bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ, Tết cuối năm.

Sản xuất lâm nghiệp tương đối ổn định, sản lượng gỗ khai thác tăng; rừng được trồng mới, chăm sóc và bảo vệ. Nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng nuôi thâm canh, siêu thâm canh, trong khi các hoạt động khai thác được phục hồi do điều kiện thời tiết thuận lợi nên sản lượng thủy sản tăng.

Mở cửa thị trường: Động lực nào cho nông sản Việt?- Ảnh 2.

Trong 11 tháng năm 2024, ngành nông lâm thủy sản ghi nhận thặng dư thương mại đạt 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thặng dư thương mại ngành nông lâm thủy sản trong 11 tháng đạt 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lâm sản, thủy sản và nông sản tiếp tục là ba nhóm hàng chủ lực, đạt mức thặng dư lớn nhất. Tuy nhiên, nhóm đầu vào sản xuất và sản phẩm chăn nuôi vẫn đối mặt với tình trạng thâm hụt, phản ánh những thách thức tồn tại trong ngành.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Thành tựu này là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu Halal đã tạo động lực phát triển bền vững".

Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, mục tiêu xuất khẩu đạt trên 60 tỷ USD vào cuối năm 2024 hoàn toàn khả thi. Kết quả này không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn hỗ trợ ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế nông thôn.

Tiến sâu vào các thị trường khó tính

Về cơ cấu theo khu vực, thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam bao gồm châu Á (chiếm 48,2%), châu Mỹ (23,7%) và châu Âu (11,3%). Riêng giá trị xuất khẩu sang châu Âu đã tăng tới 30,4%, thể hiện hiệu quả trong việc mở rộng thị trường mới. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 3 thị trường lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh 24,6%.

Chia sẻ về câu chuyện mở cửa thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định rằng Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là 2 thị trường lớn, giữ vai trò chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá. Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng: "Tôi tin tưởng những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục ký được các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng trưởng rất lớn".

Mở cửa thị trường: Động lực nào cho nông sản Việt?- Ảnh 3.

Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, mục tiêu xuất khẩu đạt trên 60 tỷ USD vào cuối năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Đối với thị trường Halal, Thứ trưởng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn đặc thù, khi đây là thị trường có yêu cầu rất cao, đồng thời các quốc gia trong khu vực lại chưa có sự thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận khi xuất khẩu các sản phẩm như thuốc, vaccine thú y và thịt gà vào thị trường này". Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng, đầy cơ hội để Việt Nam dần chinh phục và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe.

Theo Thứ trưởng, việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, giá trị nông lâm thủy sản của Việt Nam trong tương lai sẽ còn tăng trưởng vượt bậc, góp phần khẳng định vị thế nông nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Một trong những lĩnh vực xuất khẩu có sự hạn chế rõ rệt chính là chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu tính riêng giá trị xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, con số này chưa được thống kê vào ngành nông nghiệp, dù dự báo năm nay sẽ đạt khoảng 600 triệu USD. Trên thị trường quốc tế, nơi mà các tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường hoạt động nghiêm ngặt, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ.

Đổ hàng tỷ USD vào nông nghiệp, các đại gia Việt nhận lại được gì?

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: "Việt Nam có thể trở thành "bếp của thế giới" với dự báo sản lượng thịt các loại trong năm nay vượt mốc 8 triệu tấn, cùng hơn 2 tỷ quả trứng và một lượng sữa đáng kể".

Dù sản lượng sữa trong nước khá lớn, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu một phần không nhỏ. Vấn đề là làm sao để thay thế nhập khẩu và bù đắp những thiếu hụt trong nước. Để thực hiện điều này, cần phải đẩy mạnh việc phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực chế biến. Đồng thời, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là hướng đi chiến lược để gia tăng giá trị ngành chăn nuôi.

Với những tiềm năng lớn này, nếu khai thác đúng hướng, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định được vị thế vững mạnh trên trường quốc tế.