Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm

Admin
Mặc dù môn Công nghệ được thiết kế phục vụ các ngành kỹ thuật, nhưng nếu các trường đại học không xét tuyển môn học này thì rất khó để các học sinh quyết định lựa chọn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025.

Ngành giáo dục đang tập trung chuẩn bị các khâu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bởi đây là cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 thi tốt nghiệp.

Về phương án thi, từ năm sau các thí sinh phải trải qua 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 đó là Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Với phương án này, lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Quy định là vậy, nhưng vẫn phải chờ các phương án tuyển sinh từ các trường đại học để các em học sinh lựa chọn thi những môn học mới.

Học sinh e dè lựa chọn các môn mới

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Hiện các trường đại học chưa công bố các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 nên học sinh vẫn chỉ lựa chọn các môn học theo khối truyền thống như trước kia để ôn tập. Tại trường chúng tôi phần đa các em vẫn có xu hướng chọn học tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Sinh học,… và không chọn Công nghệ để làm định hướng khối ngành cho mình".

Theo bà Quỳnh việc lựa chọn như vậy là dễ hiểu bởi các em cần những dữ liệu đã có từ những kỳ thi trước để định hướng cho bản thân. Có thể đến những năm học sau, khi các trường đã có những phương án thi đầu tiên, học sinh mới quyết định lựa chọn những môn thi mới.

Tại Trường THPT Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội, ông Lê Hồng Chung – Hiệu trưởng nhà trường cũng thông tin đến thời điểm này các em học sinh khối 12 của trường cũng không lựa chọn môn Công nghệ làm một trong những môn thi tốt nghiệp của mình.

Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm- Ảnh 1.

Môn Công nghệ lớp 12 học sinh được học kiến thức về kỹ thuật điện tử.

Lo lắng là điều dễ hiểu

Trước những băn khoăn về sự thay đổi của môn Công nghệ đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Hoàng - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, bộ sách Kết nối tri thức.

Đánh về việc lần đầu tiên môn Công nghệ sẽ là một trong những môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT ông Lê Huy Hoàng bày tỏ: "Việc đưa môn Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT thể hiện sự quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ giáo dục phổ thông về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). 

Điều này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nền tảng là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Kết quả thi tốt nghiệp môn Công nghệ không chỉ là điều kiện xét tốt nghiệp, mà là cơ sở quan trọng để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tuyển sinh các ngành về kỹ thuật, công nghệ.

Đối với băn khoăn Công nghệ sẽ không được nhiều học sinh "mặn mà" lựa chọn, chuyên gia cũng nhận thấy đây là điều dễ hiểu, ông Lê Huy Hoàng lý giải : "Môn Công nghệ trong Chương trình 2006 đã không được tổ chức thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu của chương trình. Vì thế, ấn tượng về môn học mờ nhạt và ít được coi trọng. 

Tâm trạng đó dẫn tới có những nhận định tiêu cực, không đúng về vai trò, vị trí rất quan trọng của môn công nghệ thuộc Chương trình GDPT 2018. Từ đó có thể thấy, sự lo lắng nêu trên của thầy cô cũng là điều dễ hiểu".

Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm- Ảnh 2.

Ông Lê Huy Hoàng - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, bộ sách Kết nối tri thức (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, sự lo lắng của thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh phản ánh thực tế, thầy cô, nhà trường, xã hội vẫn còn chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng, những điểm mới trong nội dung, định hướng nghề nghiệp của môn Công nghệ trong Chương trình GDPT 2018, nhất là ở cấp THPT.

"Trong chương trình mới, môn Công nghệ ở THPT được thiết kế dành cho các em học sinh có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Nghĩa là, các em học sinh muốn học đại học, cao đẳng các ngành, lĩnh vực về kỹ thuật, công nghệ thì rất cần lựa chọn học và thi môn Công nghệ.

Việc học tốt môn Công nghệ ở phổ thông sẽ giúp cho các em học sinh có tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và ý nghĩa nhất khi các em theo học các ngành kĩ thuật, công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là điểm mới rất có ý nghĩa để các trường đại học đưa môn Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển thời gian tới đây", ông Hoàng bày tỏ.

Để đáp ứng việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ông Lê Huy Hoàng cũng đưa ra lưu ý đối với giáo viên trong phương pháp giảng dạy, đặc biệt là kiểm tra, đánh giá.

Theo Chủ biên môn Công nghệ việc bộ môn này trở thành môn thi tốt nghiệp THPT sẽ đặt ra những thách thức nhất định, đòi hỏi nhà trường, đội ngũ giáo viên môn Công nghệ phải hết sức nỗ lực trong năm học tới, nhất là khi có một tỉ lệ lớn giáo viên công nghệ ở phổ thông không được đào tạo đúng chuyên môn.

Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm- Ảnh 3.

Chương trình GDPT 2018 sẽ có nhiều thay đổi trong cách giảng dạy và kiểm tra (Ảnh: Hữu Thắng).

Trước hết, thầy cô cần phải tìm hiểu kỹ để hiểu sâu về chương trình, sách giáo khoa công nghệ 12, nhất là về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, những nội dung mới. Trên cơ sở đó, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học môn Công nghệ ở lớp 12.

Trong quá trình dạy học, thầy trò cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, tập trung vào bản chất, quan tâm thực hiện đầy đủ các nội dung thực hành, phát huy tính tự chủ, tích cực của học sinh. Thầy cô cần nhấn mạnh cho học sinh những nội dung có tính đại cương, nguyên lý, khái quát, bản chất, nền tảng và những nội dung có ý nghĩa cho việc theo học các ngành, lĩnh vực về kĩ thuật, công nghệ.

Coi trọng đánh giá ngay trong quá trình dạy học để điều chỉnh hoạt động dạy và học, đảm bảo tất cả học sinh đều hiểu bài, đều học tốt. Các bài kiểm tra cần bám sát định hướng về cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp năm 2025 của môn Công nghệ.

"Thầy cô trong trường phổ thông cũng cần tiếp tục nâng cao kỹ năng xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ. Bài kiểm tra, nhất là các bài kiểm tra học kì nên phù hợp với cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp của môn Công nghệ. Trong quá trình biên soạn câu hỏi, cần tập trung vào việc xây dựng bối cảnh có ý nghĩa, nhất là cho các câu hỏi đánh giá cấp độ tư duy ở mức vận dụng, các câu hỏi dạng đúng – sai", chuyên gia cho hay.