Một thế hệ người trẻ thích sống độc thân

Admin
(PNTĐ) - Không ít người trẻ chọn cuộc sống một mình tự tại để được thoải mái phát triển sự nghiệp, tận hưởng cuộc sống thay vì lựa chọn yêu đương rồi lập gia đình, sinh con. Xu hướng này diễn ra không chỉ với nhiều bạn Việt Nam mà khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2060, một nửa dân số sẽ độc thân?

Ở Hàn Quốc tỷ lệ hộ gia đình độc thân vào năm 2023 đã tăng lên 42% theo dữ liệu từ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (17/4/2024). Những người ở độ tuổi 20 và 30 là nhóm tuổi lớn nhất trong các hộ gia đình độc thân.

Ở Trung Quốc, ngày càng nhiều người trẻ, đặc biệt là phụ nữ sinh vào những năm 1990 và 2000, trở nên thờ ơ với kỳ vọng của xã hội về việc kết hôn. Theo báo cáo do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào tháng 6 năm 2023, số lượng đăng ký kết hôn trên cả nước ở mức thấp nhất trong 37 năm, sau 8 năm sụt giảm.

Những người trẻ ở Nhật Bản tham gia khảo sát về việc sống độc thân cũng cho biết: Nữ giới họ lựa chọn sống độc thân vì thích tự do, có sự nghiệp viên mãn và không muốn gánh nặng của người nội trợ truyền thống như việc nhà, nuôi con và chăm sóc cha mẹ già. Còn nam giới cho biết khi sống độc thân, họ được hưởng các quyền tự do cá nhân, nhưng nhiều người cũng cho biết thêm những động cơ khác khiến họ độc thân bao gồm lo ngại về tình trạng bấp bênh trong công việc và không thể kiếm đủ tiền để duy trì gia đình.

Dữ liệu từ vòng khảo sát Millennial mới nhất của YouGov-Mint-CPR cho thấy 1/4 thế hệ trẻ ở Ấn Độ không muốn kết hôn và 1/5 không muốn có con. Người trẻ 23% không quan tâm đến chuyện con cái hay hôn nhân. Gần 1/3 số người chỉ có trình độ học vấn phổ thông cho biết họ muốn kết hôn sau 30 tuổi.

Một thế hệ người trẻ thích sống độc thân - ảnh 1
Sống độc thân trở thành xu hướng giới trẻ hiện nay. Ảnh: Flash Pack

Trích dẫn một cuộc khảo sát mới của ứng dụng hẹn hò Tinder: 72% trong số hơn 1.000 thanh niên Mỹ độc thân được Tinder đặt câu hỏi đã đưa ra quyết định sáng suốt là sống độc thân trong một khoảng thời gian. Hơn nữa, cuộc khảo sát cho thấy có tới 81% trong số họ thấy việc độc thân mang lại nhiều lợi ích ngoài đời sống tình cảm. Theo cuộc khảo sát, hơn 1/2 cho biết những người trẻ độc thân khác cởi mở hơn với những trải nghiệm mới và họ coi bản thân là người vui vẻ hơn do tình trạng độc thân.

Dự án Singleton nghiên cứu về sự độc thân ở những người trẻ tuổi châu Âu cho thấy đến năm 2060, một nửa dân số sẽ độc thân, một phần do dân số già đi, một phần do nhiều người trẻ chọn cách sống độc thân, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời phù hợp.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, tỷ lệ người độc thân tăng 3,87% trong 15 năm (2004 - 2019). Một phần người trẻ ngày nay chọn tập trung cho sự nghiệp, trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ, học các kỹ năng mới để hoàn thiện bản thân. Vào ngày 9/11/2023 Phòng nghiên cứu Statista đã công bố bảng tỷ lệ độc thân ở Việt Nam vào năm 2021, gần 85% dân số nam ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20 - 24 vẫn độc thân. Mặt khác, 61,9% dân số nữ trong cùng nhóm tuổi có tình trạng độc thân. Nhìn chung, đối với cả hai giới, tỷ lệ dân số độc thân trên toàn quốc giảm theo độ tuổi.

Theo nhà khoa học xã hội người Mỹ, chuyên gia về cuộc sống độc thân Tiến sĩ Bella DePaulo: “Xu hướng độc thân góp phần xác định lại ý nghĩa truyền thống của mái ấm, gia đình và cộng đồng và người độc thân có tỷ lệ tham gia tình nguyện nhiều hơn cho các tổ chức dịch vụ xã hội so với những người đã kết hôn. Những người độc thân càng tự lập họ càng ít trải qua những cảm xúc tiêu cực”.

Bạn trẻ Việt không phải ngoại lệ

Tố Uyên (27 tuổi) hiện đang làm việc và sinh sống tại TP HCM, đến nay Uyên vẫn độc thân và không muốn yêu đương cho dù gia đình có nhắc nhở. “Hồi mình còn đi học thì cũng có một mối tình 2 năm nhưng rồi lại không đi đến đâu, bản thân mình sau khi ra trường kiếm việc thì mình lại chỉ muốn tập trung phát triển sự nghiệp. Trên facebook mình cũng hay đọc được nhiều bài chia sẻ là kết hôn, sinh con xong là không có thời gian cho bản thân. Điều đó khiến mình không sẵn sàng để lập gia đình và muốn sống độc thân”, Tố Uyên chia sẻ.

Một thế hệ người trẻ thích sống độc thân - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lê Ngọc (26 tuổi) tại Hà Nội, cho biết rằng gia đình thúc giục dẫn người yêu về ra mắt nhiều lần nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng bước vào một mối quan hệ nào cả, và chưa có dự định kết hôn trong vài ba năm tới. “Mình cảm thấy bản thân mình chưa đủ điều kiện để lo cho một gia đình nên mình muốn tập trung đi làm và phát triển công việc hơn là lập gia đình.

Khi lập gia đình thì có nhiều thứ phải lo, rồi khi có con thì cũng cần có điều kiện để chăm sóc đứa bé. Hiện tại mình đi làm thì mình lo cho bản thân và gửi về cho bố mẹ một chút nhưng để mình nuôi hẳn một gia đình thì là quá nhiều áp lực để gánh vác”.

Minh Đức (23 tuổi) tại Hà Nội chia sẻ rằng bản thân hiện tại không muốn yêu đương để tập trung phát triển sự nghiệp và chưa nghĩ tới việc lập gia đình. Mình còn có nhiều dự định phải làm và chưa muốn mất thời gian ở “4 góc nhà”.

Hiện nay, suy nghĩ sống độc thân như Uyên và Ngọc không hề hiếm ở giới trẻ và cũng trở thành một xu hướng. Thay vì mong ước những khoảnh khắc hạnh phúc khi tìm được người yêu, thì nỗi sợ hôn nhân không hạnh phúc, mất cuộc sống tự do, trách nhiệm khi xây dựng gia đình và sinh con dường như đã lấn át hết. Đấy cũng chỉ là một phần của thế hệ trẻ, cũng có những người trẻ không hẳn là chọn sống độc thân mà chỉ là trì hoãn việc kết hôn để tập trung vào công việc cá nhân như Minh Đức.

Tiến sĩ Darcy Sterling, chuyên gia về mối quan hệ và là một nhân viên xã hội lâm sàng người Mỹ cho biết: “Thế hệ trẻ đầu tư nhiều thời gian hơn vào sự nghiệp, đời sống xã hội và thời gian cá nhân khi còn độc thân. Họ đánh giá cao khoảng thời gian không có bạn đời giúp họ có thêm thời gian để trau dồi các lĩnh vực khác trong cuộc sống”.

Bên cạnh những tích cực của lối sống độc thân thì tỷ lệ sinh giảm và dân số già của một quốc gia sẽ là một thách thức, nguy cơ thiếu hụt người trong độ tuổi lao động để duy trì nền kinh tế quốc gia hay hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của những công dân lớn tuổi. Xu hướng độc thân có thể được coi là kết quả của thách thức đó.

Tiến sĩ Wendy Vương (Trung Quốc), nhà xã hội học và nhân khẩu học, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Gia đình (IFS), lưu ý rằng tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề toàn cầu: “Việc gia tăng người sống độc thân nên là vấn đề cần được chú ý. Nếu một quốc gia ngày càng già hóa, điều đó có nghĩa là quốc gia đó sẽ có ít người làm việc, tiêu dùng và nộp thuế hơn”.