Mùa Trung thu hướng về nguồn cội

Admin
(PNTĐ) - Những năm gần đây, Tết Trung thu ngày càng hướng về nguồn cội với những chương trình, sự kiện đậm sắc màu truyền thống, tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Mùa Trung thu hướng về nguồn cội - ảnh 1
Trung thu 2024 góp phần tôn vinh gìn giữ Tết Trung thu truyền thống của Việt Nam.

Trong ký ức của rất nhiều người Việt, hình ảnh Tết Trung thu thường gắn với những biểu tượng quen thuộc như mâm ngũ quả, bánh Trung thu, tục rước đèn và phá cỗ trông trăng. Ngày nay, với sự biến đổi của nhịp sống hiện đại nhiều nét xưa đang dần thay đổi, thậm chí mai một theo thời gian. Vì vậy, việc các địa phương, đơn vị trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị kỹ các chương trình nghệ thuật tái hiện nét Trung thu xưa là điều rất đáng quý, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống đến các em nhỏ.

Mới đây, tại không gian của Văn Miếu, Dự án "Tinh Quang Hội Nguyệt" như cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến một không gian hoài niệm đẹp về lễ hội Trung thu xưa, đồng thời lan tỏa thông điệp về sự bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Du khách đến đây có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ ánh sao, mặt trăng..., được nghe những câu chuyện về Trung thu được tái hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật và làng nghề truyền thống. Dự án là một sự nỗ lực của những người trẻ đối với văn hóa truyền thống Việt Nam.  

Theo họa sĩ Phạm Khắc Thắng, thành viên Ban tổ chức Dự án, triển lãm còn là một hành trình trải nghiệm đa giác quan, nơi các giá trị truyền thống và đương đại gặp gỡ, cộng hưởng và tỏa sáng. Bên cạnh việc được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ ánh sao, mặt trăng và những biểu tượng của văn hóa Trung Thu, du khách cũng sẽ được tham gia vào các hoạt động của làng nghề truyền thống, từ làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ hỉ nộ ái ố, sáng tạo tranh sơn mài, làm bánh Trung thu, làm đèn cù…

Năm nay, Lễ hội Trung thu do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức từ ngày 13-16/9, sẽ diễn ra tại TP Ninh Bình. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, các hoạt động trong Lễ hội sẽ cùng các em nhỏ đến với những giấc mơ, những câu chuyện thần kỳ, ước vọng tương lai góp phần hoàn thiện nhân cách của con người Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sắc màu truyền thống đậm đà sẽ được tái hiện rõ nét tại Lễ hội qua các không gian về đồ chơi Trung thu truyền thống: Đèn kéo quân, đầu lân sư, tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, lồng đèn cá chép, đèn ông sao, tò he... Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nghề truyền thống, làm đồ chơi, đồ thủ công. Theo đó, các em nhỏ sẽ được nghe kể về lịch sử làng nghề, được trải nghiệm cùng các nghệ nhân thực hiện các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc, được hướng dẫn thử trình diễn những tiết mục rối cạn, rối nước; các em được tìm hiểu, trải nghiệm biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa lân - sư - rồng… Không khí, không gian đậm đặc truyền thống này sẽ giúp các em hiểu và yêu hơn giá trị cốt lõi trong văn hóa của dân tộc. 

Tại Hoàng thành Thăng Long, vào ngày 14 và 15/9 cũng diễn ra chương trình “Vui Tết Trung thu 2024” với nhiều hoạt động phong phú như trưng bày đồ chơi Trung thu xưa, trải nghiệm làm các loại đồ chơi Trung thu truyền thống, biểu diễn múa lân sư... Nội dung trưng bày gồm 2 chủ đề: Tết Trung thu truyền thống và cung đình. Trong đó ấn tượng là trưng bày các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền nay được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng lại.