
Bước vào năm 2025, Việt Nam đang hướng đến một mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng – đạt ít nhất 8% GDP và đưa GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD
Đây là ý kiến của các chuyên gia của bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT khi phân tích về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hướng tới kỷ nguyên tăng trưởng cao.
Tận dụng động lực từ công nghiệp, đầu tư công và tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng
Trong một bước đi đầy tham vọng, Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, cao hơn nhiều so với mức 6,5-7% trước đó. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hai chữ số từ năm 2026 trở đi. Dự kiến, quy mô GDP của Việt Nam sẽ vượt 500 tỷ USD vào năm 2025, với GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT: Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công thêm 84,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD) và điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát lên 4,5-5%, thay vì 4,0-4,5% như trước. Những thay đổi này sẽ tạo thêm dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, hỗ trợ khu vực DN và thúc đẩy sản xuất.
Các ngành kinh tế chủ chốt cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng cao là: Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng dự kiến 9,5% trở lên; dịch vụ đặt mục tiêu tăng tối thiểu 8,1%; nông, lâm, ngư nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng ít nhất 3,9%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 giảm 9,2% so với tháng trước, nhưng lại tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đã lấy đà ngay từ đầu năm, thay vì chậm lại do tâm lý nghỉ Tết như những năm trước.
Đầu tư công cũng ghi nhận kết quả tích cực khi vốn nhà nước thực hiện tăng 9,6% so với cùng kỳ, giúp thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ đang nỗ lực để có sự "khởi đầu" mạnh mẽ hơn về đầu tư công.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình 26 Bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao (tính đến ngày 23 tháng 1 năm 2025); yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tờ trình về Đề án bổ sung phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Chính phủ gửi Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh đầu tư công là một động lực quan trọng để thúc đẩy GDP tăng trưởng với đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công lên 857,5 nghìn tỷ đồng (36 tỷ USD), tăng 11% so với kế hoạch trước đó và tăng 38% so với năm 2024.
Các chuyên gia kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm phê duyệt kế hoạch đầu tư công mới cho năm 2025 trong kỳ họp không thường niên lần thứ 9 đang diễn ra.
"Theo ước tính của chúng tôi, việc nâng tỷ lệ hoàn thành của kế hoạch đầu tư công từ mức 85% vào năm 2024 lên mục tiêu 95% của Chính phủ cho năm 2025 có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 tăng thêm 1,4 điểm %", vị chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng.
Về thương mại, ông Đinh Quang Hinh phân tích: Xuất khẩu tháng 1/2025 đạt trên 33 tỷ USD, giảm nhẹ 6,6% so với tháng trước nhưng vẫn tốt hơn mức giảm mạnh của năm 2024. Đặc biệt, thặng dư thương mại tăng mạnh lên 3,1 tỷ USD như TCTK thống kê đã phản ánh sự cải thiện trong cán cân thương mại.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng thực (sau điều chỉnh lạm phát) đạt 6,6%. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 36,9%, đạt 2,1 triệu lượt trong tháng 1/2025, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ.
Điều chỉnh chính sách, hướng tới kỷ nguyên tăng trưởng cao
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện hàng loạt biện pháp để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Trong năm 2025, NHNN sẽ điều hành hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát được nới lên 4,5-5%, tạo thêm dư địa để mở rộng chính sách tiền tệ.
Việc nâng mục tiêu kiểm soát CPI giúp tăng không gian cho chính sách tiền tệ, tạo điều kiện theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng. Mặc dù vậy, các chuyên gia của VNDIRECT phân tích: Dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hiện đang bị hạn chế, đến từ việc đồng USD liên tục neo cao. Để ứng phó với tình hình, NHNN đã chủ động tăng tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của mình thông qua việc nâng mục tiêu kiểm soát lạm phát và hiện tăng giá bán can thiệp USD từ 25.450VNĐ/USD lên 25.698VND/USD.
Hành động của NHNN cũng hướng tới các mục đích, tạo "hiệu ứng tin ra" giúp hạ nhiệt tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tăng giá, bảo vệ dự trữ ngoại hối, hiện đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị và hỗ trợ xuất khẩu.
Theo dữ liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19% kể từ đầu năm vào ngày 3/2/2025 bất chấp tháng Tết phản ánh nhu cầu tín dụng cải thiện. Về các mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định rằng tín dụng tăng 2% thường đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP. Như vậy, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm nay tương ứng với mục tiêu tăng trưởng 8%, còn nếu tăng trưởng GDP ở mức 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 18-20%.
Do đó, chuyên gia của VNDIRECT nhận định: Các ngân hàng có thể sẽ ưu tiên tăng vốn và đẩy tín dụng ngay từ đầu năm để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Đáng chú ý, trong Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến việc đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn mạnh hơn tới các DN.
Về tác động do biến động chính sách thương mại toàn cầu, các chuyên gia nhận định: Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu mang lại cả cơ hội và rủi ro đối với triển vọng xuất khẩu Việt Nam.
Điều đáng chú ý là Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế tăng thêm do mức thuế hiện hành đối với Việt Nam đã là 25% đối với mặt hàng thép và do đó động thái này có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng thép từ Việt Nam.
Mới đây nhất, Tổng thống Trump cũng đề cập đến kế hoạch công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa từ các quốc gia áp dụng mức thuế quan cao đối với Mỹ trong thời gian tới, trong đó chỉ ra vài mục tiêu bao gồm ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm. Tuy vẫn đang tạm thời ở ngoài "tâm bão" nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý các DN Việt cần sẵn sàng với những rủi ro liên đới khi Mỹ thay đổi chính sách với các nền kinh tế có thặng dư thương mại
Các chuyên gia đánh giá, phía Việt Nam đã và đang nỗ lực xúc tiến các hành động để giảm thiểu rủi ro trở thành mục tiêu tiếp theo của thuế quan Mỹ. Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang tăng tốc đàm phán và thực thi các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Dưới góc độ DN, gần đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay: Sau khi gặp Tổng thống Trump tại Mỹ, HDBank và các đối tác đang đàm phán thực hiện các hợp đồng trị giá 48 tỷ USD với các DN Mỹ (có khả năng được nâng lên đến 64 tỷ USD). Ngoài ra, một đại diện của tập đoàn T&T đã đề cập đến việc thảo luận với đại diện của Boeing tại Việt Nam về cơ hội hợp tác và trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực hàng không.
Trước đó, tập đoàn T&T đã trở thành cổ đông chiến lược của Vietravel Airlines. "Chúng tôi tái khẳng định quan điểm của mình rằng việc Trump áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Mỹ có thể mang lại cả cơ hội và rủi ro tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Một mặt, Việt Nam có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ khi các nhà xuất khẩu khác phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do sự suy giảm chung về nhu cầu hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ. Điều này là do mức thuế nhập khẩu cao hơn, thúc đẩy nguồn cung ứng trong nước và lo ngại lạm phát gia tăng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ", các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.
Thời gian qua, giới chuyên gia quốc tế có nhiều góc nhìn khác nhau về tính khả thi của mục tiêu GDP 8%. Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF nhận định rằng, để đạt được mức tăng trưởng này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách đầu tư công, giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu suất DN nhà nước; Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng rủi ro từ biến động thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ siết chặt chính sách thuế quan; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại tỏ ra lạc quan hơn, cho rằng Việt Nam có thể tận dụng xu hướng chuyển dịch sản xuất, đầu tư, đồng thời khuyến nghị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI chất lượng cao.
Anh Minh