Mỹ thuật Hà Nội: Nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển

Admin
(PNTĐ) - Thời gian qua, lực lượng họa sĩ, nghệ sĩ Hà Nội đã nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển, giao lưu văn hóa với nước ngoài, từ đó tiếp thu và nỗ lực tìm tòi sáng tạo tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như tranh vẽ trên giấy, sơn mài, sơn dầu, lụa, và các chất liệu tổng hợp khác với nhiều đề tài, nội dung phong phú, đa dạng.

Hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2024 diễn ra từ ngày 06 - 30/10/2024. Đây là triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Triển lãm mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi cho các họa sĩ, từ đó tiếp thêm động lực sáng tạo cho các tác giả có thêm nhiều tác phẩm giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần đưa mỹ thuật Thủ đô ngày một phát triển.

Triển lãm năm nay giới thiệu tới công chúng 262 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc được Hội đồng nghệ thuật (Hội Mỹ thuật Hà Nội) lựa chọn từ hơn 300 tác phẩm của hội viên và các họa sĩ, nghệ sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật gửi tới tham dự. 

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, triển lãm thường niên lần thứ 52 của Hội Mỹ thuật Hà Nội quy tụ tác giả thuộc nhiều lứa tuổi, cho thấy phong trào sáng tác sôi nổi cùng sự nhiệt tình của các tác giả. Triển lãm mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi cho các họa sĩ, từ đó tiếp thêm động lực sáng tạo cho các tác giả có thêm nhiều tác phẩm giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần đưa mỹ thuật Thủ đô ngày một phát triển.

Mỹ thuật Hà Nội: Nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển - ảnh 1
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2024

Không chỉ cho thấy sự đa dạng về chất liệu (sơn mài, sơn dầu, màu nước, lụa, acrylic, chất liệu tổng hợp...), các tác phẩm còn thể hiện sự phong phú về đề tài (lịch sử, chiến tranh cách mạng, phong cảnh, chân dung, lễ hội, cuộc sống lao động và sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tĩnh vật, miền núi, bảo vệ môi trường...). Đáng chú ý, đề tài Hà Nội là một điểm nhấn của triển lãm giúp người xem cảm nhận chiều sâu lịch sử, vẻ đẹp, sức sống của Thủ đô. Trong đó, một số tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng như: Hà Nội năm 1946, Hà Nội ngày giải phóng 1954, Hà Nội năm 1972... được các tác giả thể hiện bằng những tình cảm chân thành, sâu lắng. Bên cạnh đó, đề tài Hà Nội xây dựng và phát triển đã được một số tác giả thể hiện sinh động, qua đó phản ánh những bước chuyển của đời sống đương đại Thủ đô.

Mỹ thuật Hà Nội: Nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển - ảnh 2
Trao Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2024 

Theo báo cáo của Hội Mỹ thuật Hà Nội, thời gian qua Hội Mỹ thuật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực chuyên môn cũng như các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Điểm nhấn trong các hoạt động của Hội đó là Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Hội đã hoạt động với tinh thần thực hiện đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng nhằm đưa mỹ thuật Thủ đô ngày một phát triển hơn nữa, để xứng tầm với nền mỹ thuật Thủ đô lớn nhất của cả nước.

Năm qua, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức các chuyến đi thực tế tại Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Cao Bằng - Bắc Kạn, Hưng Yên; tổ chức trại 2 sáng tác cho hội viên tại Bắc Ninh, Khánh Hòa; 1 cuộc tọa đàm với tiêu đề “Năng cao chất lượng tác phẩm Triển lãm mỹ thuật Thủ đô hàng năm”; tổ chức cho hội viên tham gia 2 triển lãm tại Nghệ An và Hà Nội. Đáng chú ý là tại triển lãm giao lưu với Hội VHNT Nghệ An, các hội viên đã để lại một dấu ấn rất tốt đẹp.

Cũng theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, các hội viên trong Hội luôn có tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nhất là ở các chủ đề về chiến tranh cách mạng, sống làm việc theo đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nếp sống và sinh hoạt của người Hà Nội. 

Với mong muốn đưa mỹ thuật đến với công chúng một cách rộng rãi, hoạt động tổ chức triển lãm luôn được Hội chú trọng tổ chức. Điểm nhấn là Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô hàng năm được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Đây là triển lãm thường niên quan trọng nhất của các họa sỹ Hà Nội, giới thiệu những tác phẩm mới sáng tác trong năm để giao lưu nghề nghiệp và báo cáo kết quả lao động nghệ thuật của các họa sỹ với công chúng yêu nghệ thuật. 

Mỹ thuật Hà Nội tích cực đóng góp vào nền nghệ thuật nước nhà

Sự nghiệp đổi mới của Đảng cùng với những chính sách thông thoáng của Nhà nước đã tạo thuận lợi cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của Việt Nam nói chung, trong đó có hoạt động mỹ thuật Hà Nội.  

Lực lượng họa sĩ, nghệ sĩ Hà Nội đã nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển, giao lưu văn hóa với nước ngoài, từ đó tiếp thu và nỗ lực tìm tòi sáng tạo tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như tranh vẽ trên giấy, sơn mài, sơn dầu, lụa, và các chất liệu tổng hợp khác với nhiều đề tài, nội dung phong phú, đa dạng. Nhiều họa sĩ đã khẳng định cá tính sáng tạo riêng biệt và con đường nghệ thuật riêng được thế giới biết đến. Nghệ thuật điêu khắc truyền thống phát triển mạnh với nhiều tác phẩm, công trình điêu khắc được lưu giữ trong các di tích. 

Những thành quả của quá trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà nói chung, Thủ đô nói riêng, cũng như sự phát triển chung của văn hóa dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, mang tính minh họa và gần như khó tìm ra dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Vẫn còn xu hướng thương mại hóa, còn nặng tính giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục thẩm mỹ… 

Mỹ thuật Hà Nội: Nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển - ảnh 3
Tác phẩm “Bản nhạc Thăng Long” (khắc gỗ) của tác giả Trần Nguyên Đán được trao giải A tại Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2024

Những nỗ lực, tâm huyết, tài hoa của họa sỹ Hà Nội không chỉ được thể hiện qua các hoạt động chuyên môn mà còn  được minh chứng rõ nét hơn qua các giải thưởng. 

Tại Triển lãm lần này, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã trao Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2024 cho 16 tác giả có tác phẩm xuất sắc, bao gồm: 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 10 giải Khuyến khích. Giải A được trao cho tác phẩm “Bản nhạc Thăng Long” (khắc gỗ) của tác giả Trần Nguyên Đán. 

Giải B được trao cho tác phẩm “Tiềm nhập, chất liệu (acrylic) của tác giả Mai Xuân Chung và tác phẩm “Hà Nội thời mũ rơm” (comporite) của tác giả Bùi Vi Hoài. Giải C được trao cho các tác phẩm: “Làng lên phố” (sơn mài) của tác giả Triệu Khắc Tiến; “Sông Hồng” (sơn dầu) của tác giả Ngô Huy Ngọc; “Chiến thắng B52, chất liệu” (comporite) của tác giả Vũ Đại Bình.

Từ nhiều năm qua, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã trở thành ngôi nhà chung của giới họa sỹ Thủ đô. Với lòng yêu nghề, khát khao được góp sức xây dựng nền mỹ thuật Thủ đô phát triển  mạnh mẽ, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, từng bước hội nhập với mỹ thuật quốc tế, Ban chấp hành hội đã đóng góp tâm trí, sát cánh cùng với hội viên  thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Sự đa dạng, phong phú, sôi nổi trong các hoạt động của Hội đã tạo được dấu ấn với công chúng, góp phần quảng bá, lan tỏa những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, thời gian tới, bám sát đời sống văn họa nghệ thuật của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như phát động những cuộc thi sáng tác, tọa đàm chuyên môn, tổ chức các chuyến đi thực tế, trại sáng tác. Hi vọng các hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội tiếp tục đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng… đóng góp vào nền văn học nghệ thuật nước nhà.