Nắm bắt nhanh cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn

Add
Việt Nam cần có chiến lược ngoại giao tổng lực cho bán dẫn để nắm bắt cơ hội ngàn năm có một là thông điệp xuyên suốt hội thảo “Hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn”.

nam-bat-nhanh-co-hoi-hop-tac-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-dulichgiaitri-2-1716976817.jpg
Việt Nam gần đây được xem là nơi hội tụ thiên thời - địa lợi - nhân hoà với nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Hội thảo “Hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn” diễn ra sáng 29/5, tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) do Hiệp hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sự kiện được tổ chức với mong muốn, các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn thảo, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho các mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030” và “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

nam-bat-nhanh-co-hoi-hop-tac-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-dulichgiaitri-1-1716976908.jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã thông tin về thị trường bán dẫn toàn cầu với những cơ hội to lớn và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp Việt Nam đã, đang, sẽ tham gia vào hệ sinh thái này. Cách đây 25 năm, Việt Nam bắt đầu gia nhập lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin từ con số 0. Nhưng hiện tại, với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chắc chắn không bắt đầu với con số 0, bởi hiện tại chúng ta đang có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.

Hiện nay, sau 2 năm, số lượng chip bán dẫn sẽ tăng gấp đôi, còn dữ liệu của thế giới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Trong thế giới công nghệ toàn cầu đang diễn ra “cuộc chiến bán dẫn” bởi đây là công nghệ sẽ làm chủ tương lai. Ấn Độ đang sở hữu lượng kỹ sư thiết kế chip bán dẫn lớn nhất nhưng 70% chip set trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Với sức nóng của hệ sinh thái sản phẩm bán dẫn, các quốc gia trên thế giới đều đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược, nắm bắt cơ hội này. Mới đây, Hiệp hội VINASA đã thành lập Ủy ban phát triển công nghiệp bán dẫn với định hướng tập hợp các chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này thông qua đào tạo; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; kết nối hợp tác; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

nam-bat-nhanh-co-hoi-hop-tac-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-dulichgiaitrivn-1716976962.jpg
Thị trường chip bán dẫn có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030

Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia Nguyễn Thị Lệ Quyên khẳng định, trên thế giới, trong suốt 20 năm qua thị trường chip đang giữ tốc độ tăng trưởng kép, hàng năm đạt 14%, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Dự báo, nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn sẽ liên tục tăng cao, trong đó Trung Quốc ước tính đến năm 2030 cần 400.000 nhân sự, Hoa Kỳ cần 67.000 nhân sự, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng có cạnh tranh cao về nhân sự bán dẫn. Do đó, việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta cần được quan tâm hơn...

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã dự báo cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác. Việt Nam cần đào tạo 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đồng thời mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo lên 200 cơ sở.

Để giải quyết vấn đề nhân lực bán dẫn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, Việt Nam không chỉ lo đào tạo mà còn cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam để phát triển thị trường bán dẫn trong nước. Bởi lẽ, dù có nhiều lợi thế nhưng tỷ trọng đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này so với toàn cầu là chưa đáng kể. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất lớn, đưa nước ta thành quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip bán dẫn hơn.

Gần đây Việt Nam được xem là có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó, nước ta cần giải quyết những thiếu hụt về cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, tăng tốc đào tạo nhân lực và mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn.

ANH HOA