Nạn nhân của "ma trận" làm đẹp

Hoàng Huyền
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh bát nháo những loại hình làm đẹp, thẩm mỹ như hiện nay, làm đẹp ở đâu, làm sao cho an toàn đang là vấn đề nhức nhối. Nếu không tỉnh táo, khách hàng có thể phải trả giá rất đắt, thậm chí đánh đổi cả mạng sống.

Tử vong, tai biến… vì làm đẹp

Dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có không ít trường hợp tin tưởng vào các tay nghề của các “bác sĩ thẩm mỹ chui” nên đã gặp họa khi phẫu thuật, làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép hoạt động. Mới đây, dư luận tiếp tục bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra 2 vụ tử vong do thẩm mỹ, làm đẹp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà nạn nhân đều là những cô gái trẻ. Trường hợp chị P.T.D.H (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội), phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại cơ sở ở ngõ 147A Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 14/1, H phẫu thuật thì ngày 15/1, gia đình cô nhận được thông tin của bệnh viện Bạch Mai, yêu cầu tới để trao đổi gấp vì sức khỏe của H rất nguy kịch, chỉ có 20% cơ hội sống sót. Sau hơn 2 tháng hôn mê, không đáp ứng điều trị, đến tối 16/3, H đã tử vong.

Một trường hợp khác ở TP Hồ Chí Minh (có tiền sử bị hen suyễn, vừa khỏi Covid-19 khoảng 3 tháng, huyết áp thấp) cũng đã tử vong vì nâng ngực tại một bệnh viện lớn. Nạn nhân là chị N.T.N.N (33 tuổi, quê Đồng Tháp) nhập viện để phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện 1A khoảng 11h30 ngày 18/3. Đến 15h cùng ngày, do chờ lâu mà chưa có thông tin gì về tình trạng của chị N, người nhà chị đã hỏi nhân viên y tế và được biết bệnh nhân chưa tỉnh sau gây mê. Đến khi người nhà vì quá lo lắng, tự đi tìm mới phát hiện chị N đã tử vong.

Trở lại trường hợp chị H, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định cơ sở thẩm mỹ nơi thực hiện phẫu thuật nâng mũi cho chị hoạt động không phép. Cơ sở này cũng không có biển hiệu, được xác định là mượn từ một salon cắt tóc, người phẫu thuật không có kinh nghiệm, chỉ học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ một người bạn từng làm spa.

Kể về các vụ tai biến khi làm đẹp, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ về trường hợp một cô gái đi nâng mũi ở spa không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ: “Vừa tiêm chất làm đầy (filler) vào mũi, cô thấy choáng váng, đau buốt tận óc và không nhìn thấy gì nữa. Bệnh nhân lập tức được chuyển cấp cứu trong đêm tại bệnh viện Việt Đức.

tu-vong-tai-bien-vi-lam-dep1-dulichgiaitrivn-suc-khoe-1648646456.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Hà kiểm tra mức độ hồi phục ở mắt cho bệnh nhân gặp biến chứng sau khi tiêm filler.  Ảnh: BVCC

Các bác sĩ quyết định đặt một ống xông siêu nhỏ vào động mạch đùi, sau đó luồn lên theo hệ thống động mạch chủ tới tận động mạch cảnh trong não để tìm được đến động mạch mắt. Thuốc giải được tiêm trực tiếp vào lòng động mạch mắt với hy vọng làm thông chỗ tắc. 2 tiếng sau, bệnh nhân nhìn lại được. Nhưng chỉ 12 tiếng sau, bệnh nhân lại đột ngột xuất hiện hiện tượng tái mù hoàn toàn lần hai. Cả ê-kíp tiếp tục can thiệp khẩn cấp, kết hợp cùng lúc hai loại thuốc giải và thuốc thông tắc mạch. Sau 3 giờ nỗ lực không ngừng, thị lực của bệnh nhân mới dần hồi phục.

Tuy nhiên, theo BS Hồng Hà, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Nhiều ca khác tới cấp cứu chậm, bệnh nhân mù vĩnh viễn hoặc phải múc bỏ nhãn cầu để thay mắt giả suốt đời, thậm chí có người liệt nửa người do nâng mũi. “Tiêm chất làm đầy để sống mũi cao lên là việc tưởng dễ mà khó. Vì không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt”.

Thủ thuật càng được coi là nhỏ, đơn giản càng nguy hiểm

PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: Những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay không hiếm. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Thế giới cũng có hàng trăm ca tai biến tương tự. Các biến chứng có thể nhẹ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng. Hai năm trước, trong một tháng, ở Hà Nội có 3-4 ca mù mắt do phẫu thuật thẩm mỹ.

Tại bệnh viện E, trung bình mỗi tuần Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt tiếp nhận khoảng 30 khách hàng, gồm cả trường hợp tới mổ thẩm mỹ, chấn thương và “chữa cháy”, tạo hình lại sau khi làm thẩm mỹ hỏng, gặp biến chứng do thực hiện ở cơ sở spa. BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt nhấn mạnh: Càng là những thủ thuật làm đẹp tưởng như đơn giản, được xem là nhỏ thì càng nguy hiểm vì các cơ sở spa, thẩm mỹ làm nhiều, ví dụ như tiêm filler, chất làm đầy vào mũi, môi, tiêm sẹo…

Như trường hợp nữ bệnh nhân tên T.L (40 tuổi, sống ở Hà Nội) đến bệnh viện E nhờ bác sĩ tư vấn làm mờ vết sẹo mổ đẻ ngang bụng dài khoảng 5cm. Tại bệnh viện, bác sĩ khám và khuyên chị bôi kem mờ sẹo trong một tháng, sau đó quay lại kiểm tra. Do nóng vội muốn mờ sẹo nhanh, chị L đã nghe lời bạn bè giới thiệu tiêm thuốc chứa corticoid vào vùng da sẹo. Thay vì đạt kết quả mong muốn, vùng da bụng chị L lại bị teo, lõm, xuất hiện đốm trắng mốc loang lổ. Để điều trị, biện pháp duy nhất là khoét bỏ toàn bộ vùng da tổn thương và khâu lại da lành. Nhưng bác sĩ cũng không dám chắc vết sẹo đó có phát triển trở lại và có xấu hay không.

Đáng nói, người thực hiện các thủ thuật như trên thậm chí không phải bác sĩ chuyên ngành, mà là “bác sĩ tay ngang” từ nhân viên văn phòng, thợ làm tóc, “hot tiktoker” (người dùng tiktok nổi tiếng)… Những dịch vụ thẩm mỹ cũng chủ yếu được quảng cáo tại các “spa dạo” trên mạng xã hội… Đơn cử, chỉ cần lên facebook gõ cụm từ khóa “tiêm mờ sẹo”, lập tức hiện ra rất nhiều tài khoản đăng nội dung quảng cáo hấp dẫn như: Đây là phương pháp điều trị an toàn nhất; tan được tất cả các loại sẹo chỉ sau 1 liệu trình; vết sẹo lồi sẽ xẹp dần và biến mất hoàn toàn chỉ trong 1-4 tuần… Ngoài ra còn rất nhiều dịch vụ tiêm tan mỡ bụng, mỡ đùi, bắp tay; tiêm filler môi baby, môi trái tim; tiêm cằm Vline; tiêm botox hàm; tiêm thái dương; tiêm mũi… cũng được nhiều cơ sở spa quảng bá rầm rộ.

tu-vong-tai-bien-vi-lam-dep2-dulichgiaitrivn-suc-khoe-1648646474.jpg
Vùng da bụng bị teo của chị L sau tiêm corticoid mờ sẹo  Ảnh: BSCC

3 “chốt an toàn”không thể bỏ qua khi thực hiện làm đẹp

Qua quan sát, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Hà nhận định: Đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ. Rất nhiều cơ sở như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép, và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển cũng phải mất 12-14 năm đào tạo mới hành nghề được.

“Từ góc độ bác sĩ, tôi nhận thấy có 3 chốt an toàn mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý. Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành” - PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Làm rõ thêm về nội dung này, BS Nguyễn Đình Minh phân tích: Khách hàng thường ít lưu tâm nhưng nếu tìm hiểu sẽ thấy bệnh viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ rất khác với “viện thẩm mỹ” (nơi chỉ có chức năng làm đẹp như spa). Theo quy định, cơ sở spa thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì không cần giấy phép hoạt động của Sở Y tế, chỉ cần có chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhưng người thực hiện kỹ thuật trên phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d, khoản 3, Điều 33, Nghị định 155/2018/NĐ-CP).

Nhưng các phương pháp thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận khác trên cơ thể như: làm ngực, phẫu thuật thành bụng, hút mỡ, phẫu thuật vùng mặt phức tạp (cắt bỏ xương hàm, hạ gò má, cắt góc hàm), nâng mũi cấu trúc… bắt buộc phải làm ở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bởi vậy, khi có nhu cầu làm đẹp, khách hàng cần tìm hiểu, tra cứu thông tin từ nguồn chính thống, tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu để đảm bảo tìm đến đúng nơi, đúng người và đúng chức năng được cấp phép của cơ sở đó; đồng thời bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.

THẢO HƯƠNG