“Ngàn mùa hoa” còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Dưới ngòi bút của ông, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau “màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô” (Hoa vàng), “Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè.”
Cuốn “Ngàn mùa hoa” của cố nhà văn Băng Sơn đem lại cho bạn đọc nét bình yên của nông thôn xưa, với hình ảnh làng quê Việt những năm 70, 80 của thế kỷ trước với những gian nhà lợp mái tranh, chiếc cổng nhà bằng tre xanh, hay chiếc cổng làng rợp bóng mát...
Qua góc nhìn của ông, những thứ hết sức bình thường như cây rau sam, rau tập tàng, những giọt gianh... cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương của con người khi đã trưởng thành. Nhà văn dùng ngôn từ không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, hơn hết ông muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỷ niệm bên gia đình.
Những hình ảnh làng quê xa xưa thân thương trong những dòng viết của cố nhà văn Băng Sơn đã giúp bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay tìm hiểu, tò mò khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước.