Ngành thuế chia sẻ, đồng hành góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Admin
(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính đã kịp thời trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành thuế chia sẻ, đồng hành góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển- Ảnh 1.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Tại Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phân tích: Các doanh nghiệp vừa phải đối mặt với những biến động khó lường của thị trường thế giới, vừa phải khắc phục những bất cập nội tại kéo dài nhiều năm trước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 11 tháng năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 15,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục và tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...

Theo đánh giá của VCCI, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, doanh nghiệp và tổ chức đánh giá cao, luôn là cơ quan liên tục đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Riêng trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng.

Về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ với tổng giá trị gần 200.000 tỷ đồng, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa quy trình thuế với hơn 99% doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử. 

Quy trình thông quan hàng hóa được cải tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp rút ngắn thời gian xử lý và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng liên tục rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, loại bỏ các thủ tục phức tạp, chồng chéo, giúp giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp...

Trong công tác chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý nhà nước, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Các nền tảng công nghệ số được triển khai không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng hơn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các chương trình đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh của cộng đồng doanh nghiệp... Các vấn đề liên quan đến hoàn thuế, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan hay sự không thống nhất trong áp dụng chính sách tại các địa phương đều được tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, thể hiện rõ tinh thần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển...

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo VCCI, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay: Thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt, thuận lợi trong hoàn thành nghĩa vụ thuế, VCCI cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế theo hướng hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này. Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch và hướng dẫn cụ thể việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Đại diện Lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, sửa đổi và triển khai chính sách thuế đơn giản, ổn định, trong đó cần đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo, và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.

Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp. Cơ quan thuế cũng cần duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của Tổng cục Thuế và sự đồng hành từ phía doanh nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng được một hệ thống quản lý thuế hiện đại, minh bạch và công bằng", đại diện VCCI nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUANHướng tới tinh giản bộ máy theo mô hình quốc tế, đẩy mạnh áp dụng AI quản lý thuếCổng thông tin hỗ trợ người nộp thuế trên các sàn thương mại điện tửCổng thông tin hỗ trợ người nộp thuế trên các sàn thương mại điện tử

Dưới góc độ quốc tế, ông Noguchi Daisuke, chuyên gia JICA (Nhật Bản) cho biết hệ thống khai thuế điện tử nhằm nâng cao tiện ích cho người nộp thuế đạt mức độ không thua kém so với các hệ thống thuế điện tử của các quốc gia khác, đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh doanh toàn cầu.

"Tại Nhật cũng có hệ thống eTax cho phép khai thuế và nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, việc cung cấp cổng thông tin trực tuyến cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thương mại điện tử đăng ký, khai báo và nộp thuế trực tiếp như tại Việt Nam là một bước đột phá chưa từng có ở Nhật Bản," ông Noguchi Daisuke nói.

Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc trong quản lý thuế của Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai hệ thống thuế điện tử và nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Noguchi Daisuke cho rằng việc thúc đẩy chuyển đổi số sâu hơn nữa, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng mạng lưới hành chính thuế sẽ là "chìa khóa" cho tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam.

Anh Minh