Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Việc ký kết Hợp đồng Triển khai dịch vụ giữa Agribank với Trung tâm RAR góp phần thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa hai bên, đồng thời thể hiện Agribank là một trong những ngân hàng tiên phong và chủ động triển khai, đẩy mạnh việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đây cũng là tiền đề vững chắc trong việc tăng cường hiệu quả quản lý, phát triển các dịch vụ tài chính điện tử một cách an toàn.
Đặc biệt, khách hàng của Agribank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online một cách đơn giản, thuận lợi thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng Agribank Plus và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai thời gian vừa qua). Cập nhật sinh trắc học qua tài khoản VNeID khách hàng không cần thiết phải có thẻ vật lý và cũng không yêu cầu điện thoại phải có công nghệ NFC.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Việc cập nhật thông tin sinh trắc học là yêu cầu cần thiết và bắt buộc đối với khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân hợp lệ để tiếp tục thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắp chíp và xác thực điện tử qua VNeID do Bộ Công an cung cấp, có vai trò rất quan trọng để ngành ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở/sử dụng tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số.
Việc ký kết hợp đồng triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên ứng dụng Agribank Plus, Agribank thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt và nhanh chóng trong việc thực hiện Kế hoạch 01 giữa ngành Ngân hàng và Bộ Công an trong Đề án 06 của Chính phủ. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công cuộc chuyển đổi số, qua đó đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn...
Đại diện Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06) cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên vươn mình, việc triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua nền tảng VNeID đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa nền kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử.
VNeID không chỉ là công cụ xác thực và định danh mà còn tạo giá trị thặng dư từ dữ liệu. Dữ liệu, vốn được ví như "tư liệu sản xuất" mới, đã trở thành tài sản chiến lược trong kỷ nguyên số.
Trong lĩnh vực ngân hàng, dữ liệu từ VNeID không chỉ phản ánh hiện thực mà còn hỗ trợ dự báo và đưa ra quyết định sáng suốt trong môi trường biến động. Dữ liệu từ VNeID không chỉ là đầu vào mà còn là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo, mở rộng khả năng khai thác dữ liệu phong phú, bảo mật, từ đó nâng cao vị thế ngành ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, Agribank không ngừng khẳng định vị thế với các danh hiệu uy tín như Top 10 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam và Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Để đảm bảo thành công, lãnh đại C06 cho rằng: Thời gian tới Agribank cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Bảo đảm hoạt động thông suốt và tuân thủ pháp luật, đặc biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng chiến lược dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu xã hội; phát triển tiện ích số, tăng giá trị sử dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử; tăng cường bảo mật, phòng chống tấn công mạng và gian lận tài chính; kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn trong giao dịch và chống rửa tiền.
"Dịch vụ này không chỉ hiện đại hóa ngành ngân hàng mà còn góp phần đưa Agribank trở thành một trong những ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển bền vững", Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương kỳ vọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,69 triệu tỷ đồng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định. Agribank cung cấp hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, gần 4 triệu khách hàng vay vốn thông qua mạng lưới giao dịch rộng khắp ở 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch tại 63 tỉnh thành, huyện, thị.
Huy Thắng