Nghị quyết 57-NQ/TW: Định hướng để nhà khoa học bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình

Admin
(Chinhphu.vn) - Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được các chuyên gia ví như "ngọn đuốc soi đường", định hướng đưa khoa học, công nghệ về đúng vị thế, tạo động lực bứt phá mạnh mẽ.
Nghị quyết 57-NQ/TW: Định hướng để nhà khoa học bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 1.

TS. Trịnh Thành Trung tận tình hướng dẫn các nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, Nghị quyết 57-NQ/TW là cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo hành lang vững chắc cho việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ gồm 14 chương, 83 điều dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 9/2025).

Sau nhiều năm đối mặt với những rào cản về cơ chế, chính sách, giới khoa học công nghệ đang kỳ vọng vào một bước chuyển mình mạnh mẽ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính thức được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.

TS Trịnh Thành Trung cho rằng, đây không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược mà còn là tín hiệu vui cho toàn ngành khoa học. Bởi lẽ, suốt thời gian dài, các nhà khoa học đã nhiều lần kiến nghị về những khó khăn trong việc thực thi chính sách, nhưng các nút thắt vẫn chưa thể được tháo gỡ do Luật Khoa học và Công nghệ chịu sự chi phối từ nhiều luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Chính sự chồng chéo này khiến khoa học công nghệ chưa thể bứt phá đúng với tiềm năng và kỳ vọng.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Tổng Bí thư Tô Lâm, cộng đồng khoa học đang đặt nhiều niềm tin vào một giai đoạn mới, nơi những rào cản hành chính được gỡ bỏ, cơ chế vận hành linh hoạt hơn, tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học thực sự phát huy vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng tôi tin rằng, khi những điểm nghẽn được tháo gỡ, khoa học công nghệ sẽ không còn là ‘người đi sau’ mà có thể thực sự trở thành động lực phát triển quốc gia", TS Trung nhấn mạnh.

Dưới góc độ của 1 nhà khoa học, TS Trịnh Thành Trung nhận định, Nghị quyết 57-NQ/TW đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức, mà còn được chuyển hóa thành công nghệ, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn phục vụ nền kinh tế số.

Theo ông, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ muốn phát huy tối đa giá trị cần đảm bảo 5 tiêu chí cốt lõi theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): tính mới, tính hệ thống, tính sáng tạo, tính không chắc chắn và tính có thể lặp lại hoặc chuyển giao.

Dựa trên những nguyên tắc đó, Nghị quyết 57-NQ/TW đặt nền móng cho việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ theo đúng bản chất của hoạt động nghiên cứu với 5 mục tiêu then chốt: Chống lãng phí tài nguyên nghiên cứu; Chấp nhận rủi ro khoa học như một phần tất yếu; Thúc đẩy sáng tạo đột phá; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; Loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà.

Một trong những đột phá quan trọng nhất của nghị quyết là tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. TS Trung chỉ rõ: "Trong nghiên cứu khoa học, thất bại không phải là kết thúc mà là nền tảng cho những khám phá mới. Khi một nghiên cứu không thành công, nhà khoa học không nên bị áp lực hoàn trả kinh phí mà cần được khuyến khích công bố kết quả, giúp cộng đồng khoa học tránh đi vào vết xe đổ".

Tư duy này đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong cơ chế quản lý khoa học tại Việt Nam. Thay vì bó buộc nhà nghiên cứu vào mục tiêu "nghiệm thu bằng mọi giá", chính sách mới sẽ khuyến khích họ mạnh dạn thử nghiệm, khám phá mà không bị kìm hãm bởi những rào cản hành chính hay nỗi lo thất bại.

Một điểm nhấn quan trọng khác của Nghị quyết 57-NQ/TW là việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các nhà khoa học. TS Trung lý giải: "Nếu các nhà nghiên cứu được chủ động điều chỉnh thí nghiệm, thay đổi hóa chất, sinh phẩm theo thực tế mà không cần trải qua quy trình hành chính phức tạp, nghiên cứu sẽ đạt hiệu quả cao hơn, rủi ro giảm thiểu, đồng thời vẫn đảm bảo đúng mục tiêu và kinh phí tài trợ".

Thực tế hiện nay, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi phải "gò" kết quả nghiên cứu vào những cam kết ban đầu để đảm bảo nghiệm thu. Điều này không chỉ cản trở sự sáng tạo mà còn khiến những phát hiện mới có giá trị bị bỏ qua.

Khi nghị quyết được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn.

Với những định hướng mang tính đột phá, Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ tháo gỡ những rào cản cố hữu, mà còn mở ra cơ hội để khoa học công nghệ Việt Nam tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Khi nghiên cứu được đặt vào đúng vị trí của nó – một lĩnh vực mang tính sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro – thì đó cũng là lúc khoa học trở thành động lực thực sự cho sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết 57-NQ/TW không đơn thuần là một quyết sách mà chính là lời khẳng định mạnh mẽ rằng khoa học và công nghệ phải là nền tảng cho sự thịnh vượng của quốc gia. Khi được triển khai hiệu quả, nghị quyết này sẽ không chỉ nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam mà còn mở đường cho những bước tiến vững chắc trong thời đại số.

Văn Hiền

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nghị quyết 57: Khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa họcNghị quyết 57: Khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa học
Tham khảo thêm
Tạo cơ sở pháp lý để đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạoTạo cơ sở pháp lý để đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo