Hòn đảo được đánh giá cao nhờ khung cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ, cung đường dọc bờ biển xanh, bãi cát trắng, rạn san hô bãi cạn nhiều hình thù, màu sắc.
Những ngôi nhà cấp 4 san sát hướng ra biển, người dân thân thiện cho du khách cảm giác gần gũi, thân thuộc.
Mang vẻ đẹp hoang sơ
"Tôi thấy hình ảnh của Phú Quý được đăng tải bởi người bạn đi trước đó. Nơi đây mang vẻ đẹp tự nhiên, chưa có tác động quá nhiều của du lịch cũng như bàn tay con người. Với tôi, chuyến đi này cũng như một hành trình khám phá vẻ đẹp trên dải đất hình chữ S, để thấy Việt Nam mình cũng hùng vĩ, tươi đẹp", Nguyễn Đức Hoàng (Hà Nội) nói với Zing.
Quãng đường từ Hà Nội đến Bình Thuận xa, khoảng cách hơn 1.500 km. Hoàng phải đi nhiều chặng, trên đủ loại phương tiện từ máy bay, ôtô đến tàu biển với đôi lần say sóng.
Song, nam du khách cho rằng việc bỏ ra 11 tiếng di chuyển là xứng đáng. Anh vỡ òa khi đứng trước khung cảnh trời biển bao la, núi non hùng vĩ, những bãi cát trắng mịn, rừng dương xanh rì, rợp bóng…
Cũng như Đức Hoàng, Tuyết Vy (TP.HCM) gặp khó khăn do ít chuyến tàu cao tốc ra đảo. Tuần lễ cô đi, tàu chỉ khởi hành vào buổi sáng. "Tôi phải xin nghỉ thêm ngày đầu tuần chỉ để di chuyển về TP.HCM, khá lãng phí thời gian", Vy nói.
Ngoài cảnh thiên nhiên đẹp, ấn tượng, giá cả phải chăng là lý do Phương Lan chọn Phú Quý làm điểm du lịch. Với ngân sách dưới 3 triệu đồng/người, hòn đảo là lựa chọn mới mẻ, xứng đáng thay thế cho Đà Lạt, Vũng Tàu, vốn đã quá quen thuộc với du khách mỗi cuối tuần, dịp lễ.
"Ở đây, chúng tôi không phải chen chúc trong biển người", Phương Lan cho biết.
Phần lớn chi phí của Phương Lan nằm ở khoản di chuyển. Cụ thể, vé xe giường nằm khứ hồi TP.HCM - Bình Thuận giá 320.000 đồng, tàu từ đất liền ra đảo ở mức 800.000 đồng/người/vé khứ hồi, tiền thuê xe máy 3 ngày trên đảo ngốn khoảng 300.000 đồng.
Còn lại, đồ ăn, đặc biệt hải sản trên đảo tươi, ngon và rẻ hơn nhiều khi đem so sánh với các thành phố biển khác. Điểm tham quan không thu phí vào cổng. Dịch vụ chèo SUP, lặn ngắm san hô giá hợp lý.
Điểm đến của khách yêu thiên nhiên
Tuyết Vy đánh giá dịch vụ lưu trú, du lịch trên đảo chưa quá phát triển, ở đây không có khách sạn, resort, không nhiều cửa hàng ăn uống tiện lợi như đất liền.
"Đường đi vào ban ngày khá dễ dàng nhưng di chuyển buổi tối lại khó khăn vì một số đoạn vắng vẻ, không có đèn, ít xe qua lại, hai bên đường chỉ toàn cây cối. Ở đảo không có nhiều hoạt động vui chơi. Buổi tối của chúng tôi thường kết thúc sớm, lúc 19-20h", nữ du khách kể.
Tương tự, Phương Lan và người bạn hạn chế di chuyển vào buổi tối, chỉ đi ăn ở trung tâm và trở về homestay trước 21h.
Ba người trẻ trong cuộc trò chuyện với Zing đều cho rằng hòn đảo là lựa chọn đáng cân nhắc với những ai thích biển, khám phá một cuộc sống dung dị, bình yên của người dân địa phương.
"Ở đây 3 ngày, tôi cảm giác như được quay trở lại không khí tuổi thơ những năm 1990 với những ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc, những con hẻm nhỏ hướng ra biển, những đứa trẻ vùng biển chân chất, người dân làng chài thân thiện, yêu đời, quầy hàng tạp hoá vỉa hè bán dăm ba món đồ tuổi thơ...
Buổi sáng thức dậy chỉ cần mở cửa sổ ra, tôi đã thấy biển ngay sát dưới chân và cả những âm thanh nhộn nhịp của thuyền bè chở đầy tôm cá về", Hoàng Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, điều Hoàng Đức hay Tuyết Vy đều nhận thấy phía sau những khung ảnh nên thơ là tình trạng rác thải chưa được xử lý thực sự tốt, rất ít thùng rác được đặt ở nơi công cộng.
Phú Quý đẹp và ngày càng thu hút du khách đến tham quan. Nhiều người chưa có ý thức bảo vệ thiên nhiên nên đảo nhiều rác, đặc biệt là rác thải nhựa vứt lung tung khắp nơi, dọc các cung đường, điểm tham quan.