Nhiều cơ hội cho sản phẩm công nghiệp chất lượng cao xuất khẩu

Admin
(Chinhphu.vn) - "Chính phủ đang đặc biệt tập trung phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo - đây là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp. Ngay cả khi Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam, nếu phân tích kỹ vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội cho sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn cao", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội cho sản phẩm công nghiệp chất lượng cao xuất khẩu- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cuc Công nghiệp, Bộ Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng

Liên quan đến tác động của việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong năm nay, trả lời tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 4/4, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, ngành công nghiệp đạt 9,3%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt 2 con số. 

Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng công nghiệp

Đối với thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm dệt may, da giày, điện tử, gỗ… là những nhóm ngành có kim ngạch lớn, xuất khẩu vào thị trường này chiếm tới 30% tỷ trọng. Do đó, việc Hoa Kỳ áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam là một thách thức lớn.

"Tuy nhiên, Chính phủ và ngành Công Thương chưa có ý định thay đổi mục tiêu tăng trưởng này", ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh. 

Thông tin thêm, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất khẩn trương chuẩn bị đàm phán để giảm nhẹ nhất tác động. Trong trường hợp, chính sách thuế của Hoa Kỳ không thay đổi, Việt Nam có thể phải xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.

TIN LIÊN QUANCông nghiệp tái chế - mảnh ghép còn thiếu trên hành trình xuất khẩu bền vữngThủ tướng: Quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắtThủ tướng đề nghị Embraer hợp tác phát triển công nghiệp hàng khôngThủ tướng đề nghị Embraer hợp tác phát triển công nghiệp hàng không

Cùng với đó, Bộ Công Thương đang tính đến việc phối hợp với các Bộ, ngành nhằm xây dựng tín dụng ưu đãi thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm trong nước và những dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo như: Dự án chế biến nông sản, dự án về bauxit ở Tây Nguyên…

Đó là những giải pháp trước mắt, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai những giải pháp dài hạn để chủ động vượt qua khó khăn. Trong đó, Việt Nam đã có 17 hiệp định thương mại tự do với 60 quốc gia, đây là cơ hội tốt để đa dạng hoá thị trường, đẩy nhanh đàm phán nhằm khơi mở thị trường mới, như thị trường các nước Trung Đông, Nam Á, Mỹ Latinh… Cải thiện hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nước ngoài.

Đối với việc "giữ chân" khối doanh nghiệp FDI trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin, quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ rất quan tâm và nỗ lực đảm bảo yếu tố này với nhiều chính sách đối với đầu tư nước ngoài như ưu đãi đầu tư, hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế…

Bộ Công Thương cũng đang tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp, triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ, phối hợp địa phương để thu hút nguồn lực vào phát triển công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn.

Nhiều dư địa cho công nghiệp phát triển

Thông tin thêm về lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, ở khía cạnh tích cực, ngành công nghiệp đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang giúp giảm đáng kể đầu mối, thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục cùng với việc các địa phương sáp nhập tạo nhiều dư địa cho phát triển.

"Chính phủ đang đặc biệt tập trung phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo - đây là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp. Ngay cả khi Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam, nếu phân tích kỹ vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội cho sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn cao", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, dự báo sản xuất công nghiệp trong quý I/2025 tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm nay. 

Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý I/2025 đã có sự cải thiện. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).

Phan Trang