Tin liên quan
Người dân háo hức chờ đợi “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Đặc sắc Chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh“
Ngày 22/8, thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, buổi triển lãm trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, di sản mai sau” và “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam sẽ được thực hiện tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).
Theo đó, trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, gồm ba chủ đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại”; “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm”; “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau”.
Đối với chuyên đề này sẽ được tổ chức thành 3 chủ đề, gồm: Chủ đề 1 “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại” giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh.
Chủ đề 2 “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm” giới thiệu hệ thống các di tích và di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long trải qua hơn 1000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu… trong đó làm nổi bật bộ sưu tập hiện vật rồng, phượng.
Chủ đề 3 “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” tập trung giới thiệu tới du khách những kết quả nghiên cứu mới tại khu di sản. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, dựa trên những kết quả nghiên cứu bước đầu, Trung tâm đã từng bước tiến hành phục dựng không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê và Lễ Chính đán thời Lê, góp phần từng bước khôi phục không gian, diện mạo của Hoàng thành Thăng Long xưa.
Trưng bày cũng diễn giải làm nổi bật hơn một số hiện vật tiêu biểu thông qua ứng dụng công nghệ 3D, QR Code, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Hiện vật đĩa gốm - đồ dung nhà vua tời Lê sơ được trưng bày ứng dụng công nghệ 3D mapping.
Còn tại trưng bày chuyên đề “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam”, người xem sẽ được tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa thông qua hàng nghìn tư liệu khoa học và tranh ảnh.
Thông qua đó, người thăm quan có thể hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các giá trị tiêu biểu giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và tinh thần học tập suốt đời của dân tộc Việt Nam.
Với các thủ pháp trưng bày hiện đại, chuyển tải sinh động những tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ được chọn lọc, triển lãm đem tới trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho các em học sinh và công chúng tham quan.
Đặc biệt với các ứng dụng công nghệ thực tại ảo, sách điện tử, trí tuệ nhân tạo AI cùng các mô hình lều chõng, Khuê Văn Các, triển lãm sẽ là điểm check in, khám phá thú vị dành cho mọi người.
Các hoạt động trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 23 – 31/8/2024. Tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng trưng bày Phiên bản trống đồng Cổ Loa, là món quà tặng ý nghĩa của Thành phố Hà Nội tặng Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô ((10/10/1954 - 10/10/2024).