Chỉ là sự cố ngoài ý muốn?
Mạng xã hội đang không ngừng tranh luận về vụ việc liên quan tới ca sĩ Ngọc Mai và nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp. Sự việc xuất phát từ đoạn video ghi lại cảnh gia đình Ngọc Mai - Quốc Nghiệp vui đùa trong một căn phòng tại Mỹ. Trong đó, nhiều người nhận ra ở đầu giường có cắm hai lá cờ, một trong số đó là cờ chế độ cũ.
Cùng thời điểm, cư dân mạng còn phát hiện ra trong những bức ảnh chụp cả gia đình Giang Quốc Nghiệp gặp lại nhau ở xứ sở cờ hoa, nghệ sĩ xiếc hào hứng gọi khoảnh khắc này là “giấc mơ Mỹ” của các con đã trở thành hiện thực. Quốc Nghiệp - Ngọc Mai cũng thường xuyên cập nhật thông tin và hình ảnh gia đình trong những ngày vừa qua khi đặt chân đến Mỹ trên cả kênh Youtube cá nhân.
Trước làn sóng “phẫn nộ” của cư dân mạng, Quốc Nghiệp giải thích trên trang cá nhân, gia đình sang Mỹ du lịch và Ngọc Mai góp mặt trong một chương trình từ thiện. Để tiết kiệm ngân quỹ, đoàn được các tình nguyện viên chuyên chở và cho ở nhờ.
“Sau hơn 2 tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một cô chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý xung quanh, không kiểm soát chi tiết gì lọt vào camera. Qua việc này Quốc Nghiệp - Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra” - Quốc Nghiệp bày tỏ.
Cùng với hình ảnh trước đó, bài viết của Quốc Nghiệp được chia sẻ rộng rãi và tiếp tục nhận thêm những lời chỉ trích. Những chuyện trong quá khứ của Ngọc Mai như scandal về bản quyền âm nhạc, lùm xùm tình ái… cũng được cư dân mạng gợi nhắc lại. Nhiều người không đồng tình với cách giải thích của Quốc Nghiệp.
Vụ việc đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác minh. Trong khi đó, một đồng nghiệp đi trước cho rằng, có thể đây là sự cố ngoài ý muốn nhưng hai nghệ sĩ Quốc Nghiệp - Ngọc Mai cần nhận thức điều này và gỡ bỏ chứ không thể đổ thừa do người khác. Đó cũng là bài học cho các nghệ sĩ khác về ý thức chính trị, cũng như phải biết giữ hình ảnh của chính mình.
Trách nhiệm của người nổi tiếng
Trước đó, mạng xã hội xôn xao với những thông tin liên quan tới ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục lấy cảm hứng từ quân đội cài đầy huy hiệu lạ trong liveshow “Ngày em thắp sao trời”. Có ý kiến cho rằng hình dáng của huy hiệu anh đeo gợi nhắc một loại huy chương của chế độ cũ. Ngay lập tức, Đàm Vĩnh Hưng đăng giải thích khá tỉ mỉ trên trang cá nhân, rằng anh đam mê phong cách thời trang quân đội từ lâu và những dòng chữ khắc trên các huy hiệu không mang nghĩa nhạy cảm.
Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP HCM sau khi lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn đã nhận định, việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài và các phụ kiện với hình tượng huân, huy chương của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình, không phù hợp với giá trị văn hoá Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và đã tạo nên dư luận xấu.
Sở VHTT đã mời các tổ chức, cá nhân liên quan, gồm Công ty TNHH Tiếng Hát Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhà thiết kế để trao đổi và có biên bản ghi nhận các ý kiến phản hồi. Đồng thời nhắc nhở, đề nghị Công ty Tiếng Hát Việt, các cá nhân tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, nhận thức chính trị; chú ý đến vấn đề trang phục, hình thức trình bày, tránh gây phản cảm và có tác động tiêu cực đến dư luận và xã hội trong thời gian tới. Đại diện Sở VHTT cho biết, sẽ có biện pháp đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý phù hợp đối với trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Một số nghệ sĩ khác cũng từng vướng vụ việc tương tự. Trong đó có thể kể tới người mẫu - diễn viên Ngọc Trinh vô tư vi phạm pháp luật, chạy môtô (hiệu BMW, dung tích xi lanh 999cm3) biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe… cho quay video rồi đăng lên mạng xã hội.
TAND TP HCM tuyên Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, 35 tuổi) phạm tội Gây rối trật tự công cộng, lĩnh một năm tù treo, thử thách thêm 2 năm. Nhẹ hơn là Trấn Thành vấp phải tranh cãi của dư luận khi nam diễn viên mặc trang phục được cho là “không thuần Việt”, không truyền tải được nét văn hóa đặc trưng của con người vùng đất Nam bộ khi đóng MV nhạc phim “Đất rừng phương Nam”…
Diễn biến cũng như mức độ vi phạm của những nghệ sĩ trong các vụ việc kể trên có thể khác nhau, song cùng làm dấy lên tranh cãi về nhận thức cũng như sự nhạy cảm của nghệ sĩ. Trước tiên, người nổi tiếng nhất là giới nghệ sĩ, phải làm tròn trách nhiệm của một công dân, có sự hiểu biết đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bản thân nghệ sĩ cần tự trang bị, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, tránh những việc làm, những hoạt động có tính chất phản văn hóa, thô tục, đi ngược thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí là vô tình hay cố ý có những hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước, phản bội lại Tổ quốc.
Không chỉ có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật mà rộng hơn, lối sống của nghệ sĩ còn ảnh hưởng tới cộng đồng, đặc biệt những khán giả trẻ. Nghệ sĩ chân chính bằng những tác phẩm nghệ thuật cùng lối sống lành mạnh, chuẩn mực, hướng tới các giá trị chân thiện mỹ, làm tấm gương sáng cho người trẻ, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và văn minh.