Bị đánh vì lý do… không đâu
Chỉ vì ăn hết 1 con cá trong nồi mà một phụ nữ ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bị chồng đánh liên tiếp vào người. Dù người vợ đã van xin, hàng xóm can ngăn nhưng người chồng vẫn không tha.
Theo đó, ngày 20/8, mạng xã hội xuất hiện clip dài khoảng 5 phút ghi lại cảnh người vợ bị chồng đánh rất dã man. Tại cơ quan điều tra, người đàn ông này khai nhận, sau khi uống rượu say về, thấy vợ không để phần cá cho mình, ông đã nổi giận và đánh vợ. Đáng nói, sau đó, người vợ lại làm đơn xin không xử phạt người chồng vì “đây là lần đầu tiên bà bị chồng đánh”.
Ngày 21/8, 1 vụ việc hành hung tương tự, thậm chí còn dã man hơn lại được đăng tải trên mạng xã hội. Vụ việc chồng hành hung dã man vợ được cho là xảy ra tại 1 gia đình ở tỉnh Nam Định. Theo những gì do camera quay lại, trong lúc 2 vợ chồng đang đôi co, người đàn ông đã lao vào đánh đập vợ. Mặc dù vợ bị ngã với gương mặt đau đớn, người chồng vẫn không tha, tiếp tục đánh vợ mình. Ông ta lôi kéo, ghì chặt cổ vợ bên ngoài hiên nhà mặc cho con trai và nhiều người can ngăn…
Tại hội nghị toạ đàm “Giải pháp tuyên truyền phòng ngừa, phối hợp giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em trên địa bàn quận Nam Từ Liêm” ngày 23/8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm cho biết: Các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em chủ yếu thường gặp như: Chồng đánh vợ do uống rượu say; do thua cờ bạc hoặc bất đồng quan điểm về các vấn đề khác trong gia đình; do ghen tuông; vợ chồng thiếu kỹ năng sống..
Ở quận Nam Từ Liêm, trong những năm qua, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tuy không tăng ở mức báo động nhưng trên thực tế, các vụ bạo lực vẫn xảy ra, người chịu thiệt thòi vẫn là phụ nữ, trẻ em gái. Tâm lý người vợ cho rằng chuyện riêng của gia đình, nói ra sẽ “xấu chàng hổ ai” nên họ “ngại vạch áo cho người xem lưng” đã làm cho các hành vi vi phạm này ngày càng trở lên tồi tệ. “Hàng năm, chính quyền, Hội LHPN từ quận đến phường đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp đỡ hội viên, phụ nữ và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại. Cá biệt đã có trường hợp, Hội giới thiệu nạn nhân đến tạm lánh ở “Ngôi nhà bình yên” của Trung Ương Hội LHPN Việt Nam” - bà Kim Dung trăn trở.
Nỗ lực xoá bỏ bạo lực giới
Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, sự phát triển của đất nước.
Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhiều phụ nữ phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân gia đình, bạo lực trên cơ sở giới rất khó được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, các quy tắc chuẩn mực, tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội.
Ví dụ nam giới phải là trụ cột gia đình, phải lo kinh tế gia đình; phụ nữ phải lo toan, gánh vác công việc nhà… Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực trên cơ sở giới trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù về mặt pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, song trên thực tế vị thế của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi xã hội về giới còn phổ biến.
Theo Báo cáo của Chính phủ về các vụ bạo lực gia đình năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Tổng số người gây bạo lực gia đình năm 2023 là 3.208 người, trong đó nam giới là đối tượng chủ yếu gây ra bạo lực. Cụ thể, trong tổng số người gây bạo lực kể trên, có 2.677 người là nam giới, gấp 5 lần so với con số 531 người là nữ giới. Số người gây bạo lực chịu các hình thức xử lý là hơn 2.900 người; trong đó, có 129 người bị xử lý hình sự.
Trước tình trạng này, nhiều năm qua, bình đẳng giới nói chung, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan không ngừng quan tâm và cam kết thực hiện.
Về mặt pháp lý, Việt Nam tích cực trong việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Điều này được thể hiện qua nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan như: Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2016...
Nhiều chương trình, kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực giới được xây dựng và thực hiện như: Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025…
Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp về mặt thể chế, chính sách, truyền thông, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Để giải quyết các khía cạnh khác nhau của bạo lực trên cơ sở giới, Việt Nam đã thông qua các cơ chế phối hợp liên ngành - một trong những giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả và có giá trị thực tiễn.
Song, dù đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng bạo lực giới nhưng thực tế cho thấy, công tác này ở nước ta vẫn còn không ít thách thức. Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực giới khá đủ và toàn diện nhưng trong nhiều văn bản pháp luật lại chưa đưa ra định nghĩa về bạo lực giới hay bạo lực trên cơ sở giới.
Trong khi đó quy định về những hành vi bạo lực trên cơ sở giới nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến khó xử lý. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực và kỹ năng của cán bộ. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa thật sự thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng chất lượng công tác hỗ trợ cho nạn nhân và gây tâm lý e ngại cho người dân khi cần hỗ trợ.
Đáng nói, nhận thức về bạo lực giới của một bộ phận người dân còn hạn chế; phần lớn nạn nhân của bạo lực giới thường tự mang định kiến, chấp nhận im lặng và ít tìm sự trợ giúp từ các dịch vụ chính thức hoặc chính quyền địa phương.
Để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cần sự vào cuộc, kết nối, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan ở cấp Trung ương, địa phương. Các đơn vị chức năng cần tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành, bảo đảm nỗ lực phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được toàn diện và xuyên suốt; mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực...
Từ đó, nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời, có chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bạo lực giới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để cộng đồng có thể nhận diện những hành vi bạo lực, kịp thời ngăn chặn, tố cáo những hành vi này…