Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá trong nửa đầu năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, công tác cải cách hành chính tiếp tục có những đổi mới, nỗ lực tạo đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng đã "điểm danh", biểu dương một số điển hình tốt như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính…
Hậu Giang "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ"
Nhiều điển hình tốt, cách làm hay đã xuất hiện. Trong đó, tại các địa phương, Hậu Giang là trường hợp rất đáng chú ý với nhiều sáng kiến mới. Tỉnh đã triển khai giải pháp "Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ".
Để "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ", tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao, đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tỉnh ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tỉnh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.
Để có cơ sở thực hiện tỉnh giản biên chế và tinh đổi cán bộ, Tỉnh ủy triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hằng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.
Đề án được triển khai từ tháng 1/2024, bước đầu đã cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Lãnh đạo Hậu Giang cho biết điều này chứng tỏ cái thiếu hiện nay là "thiếu người biết làm việc" và có 4 đồng chí đã dự định xin thôi việc.
Hậu Giang cũng triển khai thực hiện mô hình "Sử dụng máy tiếp nhận và trả kết quả tự động trong giải quyết thủ tục hành chính" tại 2 đơn vị cấp huyện là thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành.
Theo đó, máy được kết nối với Hệ thống Một cửa điện tử, lấy thông tin các hồ sơ dịch vụ công được trả qua máy và gửi lại thông tin khi hồ sơ đã được trả đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Việc triển khai các hệ thống tự động này giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện (ngay cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ), không cần phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục, tiết kiệm được thời gian.
"Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói"
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình "Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói" tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị cũng dành 30 phút đầu giờ mỗi ngày làm việc để tiếp người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng thí điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả không phụ thuộc địa giới hành chính lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực y tế; đưa vào vận hành Mini app Zalo "App BRVT Smart" để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính.
Còn tỉnh Bình Phước triển khai "90 ngày, đêm" triển khai mục tiêu "4 phủ" cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số, người dân sử dụng điện thoại thông minh 4G thay thế các điện thoại 2G. Kết quả, từ ngày 4/4/2024 đến ngày 14/6/2024, đã cấp căn cước công dân cho hơn 8.578/17.464 người cần cấp, đạt hơn 49%; đã kích hoạt định danh điện tử cho 85.486/334.507 cần kích hoạt, đạt hơn 25%; người dân sử dụng điện thoại thông minh 13.946/22.095 cần cấp, đạt hơn 63%; hỗ trợ công dân đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số được trên 200.000 trường hợp, 23,45% công dân trưởng thành của tỉnh đã có chữ ký số.
Thành phố Đà Nẵng sử dụng kết quả thủ tục hành chính số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp "dịch vụ công trực tuyến nâng cao". Theo đó, Đà Nẵng là địa phương duy nhất toàn quốc đến nay triển khai cấp kết quả thủ tục hành chính số gắn với mã QR.
Điều này giúp người dân thuận lợi trong lưu trữ, xuất trình kết quả thủ tục hành chính số, đặc biệt là loại thủ tục cấp phép, các cơ quan Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong quản lý sau cấp phép.
Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật, thể chế kịp thời các chính sách của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh như: Quy định một số nội dung về Quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung quy định một số nội dung về cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung Quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh, Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024.
Khánh Hòa cũng trở thành địa phương thứ 3 trên cả nước miễn thu phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết những giải pháp cải cách hành chính đã góp phần vào tăng trưởng rất cao của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 12,7%, đứng thứ hai cả nước.
Hơn 10 triệu giấy phép lái xe trên VNeID
Trong số các cơ quan Trung ương, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong 2 Bộ xếp hạng A về cung cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến trong khối các bộ, ngành.
Các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Giao thông vận gồm tải (bao gồm các hệ thống triển khai đến các Sở GTVT) đã tiếp nhận và xử lý 488.279 hồ sơ, trong đó có 457.439 hồ sơ trực tuyến (tỉ lệ 93,6%) vượt chỉ tiêu so với với mục tiêu 80% do Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, khi triển khai 53 thủ tục của Bộ, người dân chỉ cần khai, cung cấp 3 thông tin: Họ và tên/ngày sinh/số CCCD, hệ thống sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để điền các thông tin khác của công dân như: Giới tính, quốc tịch, địa chỉ...
Bộ cũng hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu, ưu tiên kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu giấy phép lái xe, kết quả đã có 33,5/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỉ lệ 96,5%) có kết quả trùng khớp với dữ liệu dân cư và 10,2/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỉ lệ 29,4%) hiển thị trên ứng dụng VNeID.
Bộ triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với khách bay nội địa tại tất các các cảng hàng không trên cả nước và thí điểm xác thực sinh trắc học với các sân bay Nội Bài, Phú Bài, Cát Bi.
Còn Ngân hàng Nhà nước là một điển hình với việc triển khai xây dựng khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu bảo đảm khung pháp lý đồng bộ, thống nhất khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024, đồng thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị, điều hành, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước tập trung vào các nhóm văn bản sau: (i) Nhóm các văn bản về tổ chức, quản trị điều hành của từng loại hình tổ chức tín dụng, (ii) Nhóm các văn bản về an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; (iii) Nhóm các văn bản về hoạt động của tổ chức tín dụng; (iv) Nhóm các văn bản về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng...
Hà Văn