Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô

Admin
Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc đặc sắc của miền Tây Nam bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước, miệt vườn. Bao đời nay, đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân mà còn là biểu tượng tự hào của vùng đất Tây Đô.

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Đình Bình Thủy được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, vào thời kỳ triều đại Nguyễn, dưới sự bảo trợ của các thế hệ cư dân địa phương.

Ban đầu, đình được xây dựng để thờ Thần hoàng Bổn cảnh, người được cho là đã giúp đỡ cư dân trong việc bảo vệ và phát triển vùng đất này.

Trải qua nhiều thập kỷ, đình tiếp tục được trùng tu và cải tạo nhiều lần, song vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính và đặc sắc, phản ánh rõ sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật dân gian.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 1.

Đình Bình Thủy được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, vào thời kỳ triều đại Nguyễn, dưới sự bảo trợ của các thế hệ cư dân địa phương.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Mười, Phó Ban Trị sự đình cho biết, đình Bình Thủy là địa danh gắn liền với truyền thống tín ngưỡng của người dân vùng đất Tây Đô (Tp.Cần Thơ).

Từng cây cột, từng món đồ trong đình đều mang giá trị lịch sử, phản ánh công sức và tâm huyết của bao thế hệ. Ông Mười nói rằng, ngôi đình không chỉ là nơi thờ tự mà còn là minh chứng sống động về sự giao thoa giữa kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian vùng Nam bộ.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 2.

Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc đặc sắc của miền Tây Nam bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước, miệt vườn

Bước qua cổng tam quan với dòng chữ “Long Tuyền Cổ Miếu”, du khách sẽ bị cuốn hút bởi nét uy nghiêm của ngôi đình. Cổng đình có hai lối vào, chính giữa là bức phù điêu chạm nổi hình rồng và kỳ lân, thể hiện sự linh thiêng và vững chãi. Khuôn viên rộng lớn, cây xanh tỏa bóng mát, tạo không gian thanh bình.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 3.

Những vị thần tiên trên những mái ngói của đình Bình Thủy.

Trên mái đình lợp ngói âm dương, tượng đôi rồng tranh châu uốn lượn trên bờ nóc, xung quanh là tượng các vị thần tiên, kỳ lân, góp phần tô điểm cho vẻ đẹp huyền bí của công trình.

Bên trong đình, 6 hàng cột gỗ lim to lớn vươn cao, chân hơi choãi ra, tạo nên sự vững chắc. Những cây cột này có từ khi đình được xây dựng, gỗ được đặt từ miền ngoài, theo dòng nước xuôi về tận Long Tuyền sau hàng tháng trời.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 4.

Trên xà ngang, các hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng trải dài từ tiền đình đến hậu đình. Những hoa văn được chạm trổ tinh xảo, sắc nhũ vàng nổi bật trên nền gỗ đen hoặc đỏ thẫm, thể hiện trình độ điêu khắc bậc thầy của nghệ nhân xưa.

Di sản văn hóa cấp quốc gia

Thông tin với PV, bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, chuyên viên văn hóa bảo tàng Cần Thơ cho biết, đình không chỉ là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, mà còn là một biểu tượng văn hóa quan trọng của cộng đồng người dân Bình Thủy.

Hằng năm, đình Bình Thủy thường xuyên diễn ra hai kỳ lễ quan trọng, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương, bao gồm, lễ Thượng điền (12 - 14 tháng 4 âm lịch) là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, nhằm cầu cho mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 5.

Đình Bình Thủy được xếp hạng Di tích Quốc gia.

Trong 3 ngày lễ, người dân tấp nập về đình để tham gia các nghi lễ cúng bái, thay khăn sắc thần, dâng hương và xem hát tuồng. Lễ Hạ điền (ngày 14 tháng Chạp) được tổ chức với các nghi thức tương tự lễ Thượng điền, nhưng mang ý nghĩa tạ ơn thần linh sau một năm phù hộ cho dân làng.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 6.

Tượng Phật được trưng bày bên trong đình Bình Thủy.

Dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, những lễ hội cổ truyền này vẫn được duy trì, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Cần Thơ.

Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, vào ngày 5/9/1989, đình Bình Thủy được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, đình còn là điểm đến văn hóa quan trọng, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về truyền thống tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc dân gian.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 7.

Tượng di tích lịch sử văn hóa được đặt tại đình.

Tự hào đứng giữa không gian cổ kính của ngôi đình, ông Lê Văn Mười chia sẻ: “Đình Bình Thủy là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất và con người Tây Đô. Một di tích lịch sử, biểu tượng sống động của truyền thống văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của vùng đất này. Với lối kiến trúc cổ kính và các họa tiết chạm khắc tinh xảo, đình đã phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh và niềm tin của người dân miền Tây".

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 8.

Người dân đến thắp nhang tại đình Bình Thủy.

Có thể nói, đình Bình Thủy không chỉ là nơi lưu giữ linh hồn của vùng đất Tây Nam bộ, mà còn là chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử. Qua bao năm, ngôi đình vẫn đứng đó, trầm mặc và uy nghiêm như một biểu tượng của lòng thành kính và sự gắn kết cộng đồng giữa nhiều thế hệ.

Nơi lưu giữ hồn thiêng của vùng đất Tây Đô- Ảnh 9.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy vinh dự nhận giấy chứng nhận điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2017.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chiêm ngưỡng bảo vật quý tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng TàuChiêm ngưỡng bảo vật quý tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu