Phim do Ban văn nghệ - Đài truyền hình Việt Nam cùng Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long phối hợp thực hiện, với sự nhất trí của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân dân miền Bắc (ngày 2 và 5/8/1964 - 2 và 5/8/2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
NSƯT Khánh Hòa chia sẻ với Phụ nữ Thủ đô hành trình và những kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau”.
8 lần đến Trường Sa, cảm xúc vẫn như lần đầu
Điều gì thôi thúc chị thực hiện dự án phim ca nhạc đồ sộ như “Trường Sa - Bến bờ trong nhau”?
Tôi có tình yêu đặc biệt với Trường Sa. Lần đầu tiên tôi có duyên đến với Trường Sa năm 2009. Năm 2012 ở chuyến đi Trường Sa lần thứ ba, tôi thực hiện phim ca nhạc “Gần lắm Trường Sa”. Đến nay, tôi đã đi Trường Sa tới 8 lần. Tôi đã ấp ủ làm phim ca nhạc về Trường Sa từ lâu và sau đúng 12 năm, với tình cảm sâu sắc dành cho biển đảo và người lính Trường Sa, nhờ “thiên thời địa lợi nhân hòa”, tôi mới đủ duyên thực hiện bộ phim ca nhạc thứ hai “Trường Sa - Bến bờ trong nhau”.
Trường Sa là tình yêu lớn nhất, sâu sắc nhất trong tôi. Dù đã đến với Trường Sa 8 lần thì với tôi, lần nào cảm xúc cũng như lần đầu. Mỗi lần đi, cảm xúc lại được bồi đắp thêm, sâu sắc hơn. Tôi rất hạnh phúc trong không khí ở Trường Sa, khi lên tàu gặp gỡ các chiến sĩ, tôi luôn cảm nhận cảm xúc chứa chan tình người, tình yêu Tổ quốc. Tôi như bị “nghiện” cảm giác đó mà ở đất liền tôi không có được. Dù không phải lúc nào cũng có thể đến với Trường Sa, nhưng trong tôi, tình cảm với Trường Sa luôn ngự trị, luôn hiện hữu trong tim. Càng xa tôi càng nhớ, càng thôi thúc tôi thực hiện dự án phim ca nhạc này.
Để đi từ ý tưởng tới khi hoàn thành phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ, cũng như có rất nhiều gian nan, chị đã xử lý ra sao?
Có thể do nhiều lần được đến với Trường Sa nên tâm hồn, cảm xúc của tôi đã hòa quyện với những gì thuộc về Trường Sa. Khi bắt đầu có ý tưởng làm phim ca nhạc về Trường Sa, nhiều đêm đến 3h sáng tôi vẫn chưa thể ngủ. Những câu chuyện, những hình ảnh gần gũi, chân thực về Trường Sa cứ hiện lên trong suy nghĩ của tôi và nhiều lần tôi vùng dậy trong đêm để ghi chép lại.
Tôi muốn biến những câu chuyện đó thành phim để mọi người cùng xem và cảm nhận như thể mọi người cũng được đi Trường Sa, được trải nghiệm những tình cảm xúc động và thiêng liêng với những câu chuyện gắn liền với Trường Sa, cũng như hậu phương vững chắc của những người lính đảo.
Nhờ sự kết nối của nhà báo Đặng Hương, tôi gặp nhạc sĩ Lê Tâm để bàn bạc, trao đổi với anh và lên khung kịch bản. Sau đó, tôi cùng nhà báo Đặng Hương tìm ra những ca khúc có giai điệu đẹp, nội dung phù hợp với kịch bản và phù hợp với chất giọng, cảm xúc của ca sĩ, gắn kết như một dòng chảy của câu chuyện. Tôi chờ đợi cả năm trời để các nhạc sĩ phối khí cho mình những ca khúc ưng ý nhất.
Sau đó là rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ trao đổi với rất nhiều người, nhiều đơn vị để lên kế hoạch thực hiện bộ phim. Với sự hỗ trợ của nhiều người, nhiều đơn vị, nhân sự ước tính 1.000 người, chuẩn bị kỹ lưỡng từ kế hoạch tổng thể tới từng chi tiết nhỏ, hàng “núi” công việc đã được giải quyết.
Lên ý tưởng, kết nối các đầu mối, xử lý các tình huống phát sinh ở hậu trường, đồng thời là ca sĩ hát chính, là diễn viên… trong phim. Đảm trách quá nhiều vai trò như vậy, có lúc nào chị cảm thấy kiệt sức?
Để thực hiện bộ phim, khối lượng công việc quá lớn, lịch ghi hình dày đặc khiến ai cũng “choáng”. Có thể hình dung thực hiện dự án phim ca nhạc lớn giống như một cuộc ra trận, được phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa nhiều đơn vị khác nhau. Sáng ê-kíp dậy lúc 3h30 chuẩn bị, ghi hình, tối quay tới 23h khuya mới nghỉ. Quá trình thực hiện dù được chuẩn bị trước nhưng cũng gặp không ít gian nan. Dù vậy, tôi luôn giữ vững một niềm tin và may mắn là mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát.
Không chỉ riêng tôi, mọi người trong đoàn chung cảm xúc, ai cũng rất tự hào và hạnh phúc khi được ra Trường Sa và góp sức mình trong sản phẩm âm nhạc ý nghĩa này. Mọi người làm việc hào hứng với 200% sức lực của mình, không hề kêu than dù thời tiết mưa nắng khắc nghiệt.
Kể chuyện Trường Sa bình dị mà sâu lắng
Phim ca nhạc “Trường Sa - Bến bờ trong nhau” có thể nói là dự án lớn mà chưa nghệ sĩ nào làm được, khiến người xem hiểu, yêu và tự hào hơn về Trường Sa, Hoàng Sa, về những người lính hải quân Việt Nam. Thông điệp cũng như niềm tự hào mà chị muốn lan tỏa tới công chúng khi thực hiện dự án là gì?
“Trường Sa - Bến bờ trong nhau” là tác phẩm được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam cho khán giả trong nước và kiều bào nước ngoài, mang đến thông điệp Việt Nam đất nước hòa bình, khẳng định chủ quyền biển đảo, khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, lan tỏa tình yêu Trường Sa đến với con dân nước Việt, giáo dục thế hệ trẻ, ý thức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa…
Khi thực hiện dự án, tôi cũng mong người xem cảm nhận được những điều liên quan tới người lính hải quân: Hành trình ra đảo như thế nào, nhiệm vụ của các chiến sĩ ra sao, cuộc sống thường ngày, hậu phương… Tất cả những câu chuyện bình dị được lồng ghép một cách tự nhiên, khiến người xem như được chứng kiến, được sống trong không khí đó, cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng sâu lắng.
Tôi luôn nghĩ đến những người lính hải quân bảo vệ biển đảo trong điều kiện còn nhiều vất vả, thiếu thốn, hy vọng bộ phim món quà tinh thần gửi tới cán bộ chiến sĩ Trường Sa. Sự biết ơn của tôi với Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam và các đơn vị liên quan giúp tôi thực hiện bộ phim này là vô hạn.
Bộ phim dài với rất nhiều cảnh quay đẹp và ấn tượng. Với chị đâu là cảnh quay gây xúc động và ám ảnh nhất?
-Với tôi, cảnh nào trong phim cũng xúc động bởi tình cảm với Trường Sa luôn đầy ắp trong lòng tôi. Dù không phải diễn viên chuyên nghiệp nhưng mỗi cảnh trong phim tôi đều chất chứa tình cảm.
Xúc động nhất có lẽ là cảnh quay ở khu tưởng niệm Gạc Ma, tôi biểu diễn ca khúc Ngọn nến tri ân (Nhạc và lời: An Hiếu; Phối khí: Ngô Minh Hoàng) cùng Dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng của các chiến sĩ bộ đội Hải quân; và bài Chào Trường Sa tôi hát cùng 100 cán bộ chiến sĩ tại cột mốc Trường Sa và trên đảo. Đó là sự xúc động xen lẫn niềm tự hào, vững tin vào sức mạnh của toàn quân, toàn dân.
Được biết trong chuyến công tác này chị cũng cho con đi cùng, đó có phải là cách chị muốn truyền lửa, truyền tình yêu Trường Sa của mình cho con?
Ở thành phố, có thể con tôi chưa thể thấm nhuần hết những gian lao, sự hi sinh của những người lính hải quân. Cái “lãi” lớn nhất của tôi là sau khi đi cùng tôi chuyến công tác Trường Sa, hiện giờ con tôi cũng quan tâm nhiều và theo dõi chăm chú mỗi khi nghe tin về Trường Sa, Hoàng Sa. Chuyến đi có ý nghĩa giáo dục rất lớn và tự nhiên, giúp con tôi thay đổi quan điểm.
Kỳ thực tôi luôn nghĩ, mình may mắn được chọn làm người đứng trung gian, kết nối tất cả mọi người với nhau. Tôi cảm nhận rõ, ai cũng có tình yêu lớn dành cho Trường Sa, Hoàng Sa, tình yêu Tổ quốc luôn ngự trị trong trái tim mỗi người chỉ cần có cơ hội là tình yêu đó sẽ được phát huy. Tôi chỉ là một đốm lửa nhỏ, gặp những người đồng hành trong ê-kíp, cùng thắp sáng ngọn đuốc, bùng cháy lên tình yêu Tổ quốc lớn lao.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!