Vượt qua thách thức từ công nghệ số
Chị Lộc Thị Chanh, một nữ doanh nhân đến từ tỉnh Bắc Cạn cho biết, chính sự tự tin và tự quyết đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp chị đang vận hành.
Năm 2021, chị Chanh quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Bánh gio Bắc Kạn, một tập thể kinh doanh chuyên sản xuất "Bánh gio", một loại bánh truyền thống độc đáo của dân tộc Tày ở miền Bắc Việt Nam. Ban đầu, bánh gio chỉ được làm vào những dịp lễ hội đặc biệt như Tết Nguyên đán Việt Nam, nhưng sự phát triển của mạng xã hội đã mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới.
Chị Chanh nhớ lại: "Tôi bắt đầu nghĩ rằng thay vì chỉ sản xuất bánh cho dịp lễ Tết, tôi nên giới thiệu rộng rãi để mọi người biết và thưởng thức, đồng thời bán bánh để tăng thu nhập cho bản thân và cộng đồng”. Tuy nhiên, chị cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như kỹ năng kỹ thuật số còn khá yếu, trong khi công nghệ tiến bộ từng ngày mà cách tiếp cận lại còn khá truyền thống. “Khi nói đến việc cập nhật trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, chúng tôi gần như không có kinh nghiệm", chị Chanh chia sẻ.
Tuy nhiê, bất chấp rào cản về kỹ năng, chị Chanh đã nỗ lực để áp dụng công nghệ số vào kinh doanh. Ban đầu, bánh của chị được bán online từ Bắc Kạn, ở khu vực miền Bắc, nhưng từ khi HTX hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội, đã có nhiều đơn đặt hàng đến từ miền Nam. Nhu cầu tăng cao này đánh một dấu mốc quan trọng đối với doanh nghiệp của chị. Năm 2023, chị đã có bước nhảy vọt để mở rộng thị trường tới TP. Hồ Chí Minh. Lo ngại về chất lượng bánh do thời gian giao hàng dài, chị Chanh nắm bắt cơ hội mở chi nhánh tại thành phố trung tâm phía Nam.
Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách như mắc bệnh sốt xuất huyết, phải để lại hai con sinh đôi cho ông bà trông và quản lý từ xa công việc kinh doanh ở miền Bắc, chị Chanh vẫn kiên trì phát triển kinh doanh. Chị nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, sử dụng các dịch vụ giao hàng công nghệ để phục vụ lượng khách hàng ngày càng tăng nhanh, điều mà chị chưa từng thử làm trước đây. Hiện tại, Chanh đã xây dựng được một mạng lưới bán hàng trực tuyến giúp mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình một cách đáng kể.
HTX của Chanh hiện sản xuất khoảng 10.000 chiếc bánh mỗi ngày, phục vụ cho cả thị trường địa phương và toàn quốc. Với đội ngũ nhân viên 14 người, HTX mang lại việc làm cho nhiều phụ nữ trong thôn. Chanh quản lý toàn bộ hoạt động, giám sát sản xuất kinh doanh và tự mình đưa ra tất cả các quyết định lớn. Công việc của chị không hề nhẹ nhàng. Từ 5 giờ sáng tới nửa đêm, lịch trình một ngày của chị dày kín các đầu việc.
Chồng của chị Chanh, thường xuyên đi công tác, cũng giúp đỡ chị mỗi khi có thể; ông bà cũng hỗ trợ chăm sóc con cái để chị Chanh tập trung làm việc. Không màng gian khổ, làm việc trong một nhà xưởng tạm thời hay tự mang vác những chuyến hàng nặng ký, HTX đã gặt hái nhiều thành công. "Giờ đây, tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã có thể duy trì công việc và sản xuất ổn định", chị Chanh vui vẻ nói.
Tự tin khẳng định bản thân
Chị Chanh nhanh chóng nhìn ra vai trò của năng lực tự quyết trong thành công của HTX, nhưng chị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo ý kiến khác khi không chắc chắn. Chị coi trọng việc ra quyết định tập thể: "Tôi tự tin khi làm việc và hợp tác với mọi người trong quá trình sản xuất. Khi tôi chia sẻ băn khoăn, các chị em có thể cho tôi lời khuyên để đưa ra quyết định tốt hơn." Tinh thần hợp tác đoàn kết này là nhân tố quan trọng mà Chanh tìm thấy ở mô hình hợp tác xã.
Sự tự tin ngày càng tăng cao là một điểm sáng trong hành trình của chị Chanh. Nhìn lại bản thân trong những năm qua, chị thừa nhận: "Trước đây, tôi không tự tin chút nào khi ngồi trước mọi người như thế này... Nhưng bây giờ, qua công việc này và thời gian tiếp xúc với nhiều người, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành và tự tin hơn”. Chị bảo, đó là thành quả được rèn giũa qua thách thức và những kỹ năng đã trau dồi trong quá trình kinh doanh.
“Tôi được nhận hỗ trợ một khoản tài trợ từ tổ chức CARE để hiện đại hóa sản xuất, cũng như đem đến các chương trình đào tạo để cải thiện kỹ năng kinh doanh và số hóa. Với sự hỗ trợ từ dự án, tôi đã mua một bếp điện, giúp giảm chi phí nhân công và thời gian luộc bánh. Sử dụng bếp điện làm tăng sản lượng sản xuất bánh. Ngoài ra, tôi đã có thể đầu tư vào việc cải thiện thiết kế bao bì các sản phẩm”, chị Chanh cho biết.
Với chị, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng chị vẫn tiếp tục phấn đấu vì những mục tiêu lớn hơn. Chị quyết tâm bảo tồn đặc sản truyền thống của dân tộc Tày, đồng thời giới thiệu sản phẩm đến các thị trường mới. "Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng kinh doanh và trau dồi các kỹ năng kỹ thuật số của mình”, chị Chanh chia sẻ.
Phụ nữ nỗ lực vượt qua định kiến, vận hành phát triển doanh nghiệp
Chị Chanh là một trong số nhiều phụ nữ đã thành công nhờ tự tin và nỗ lực khẳng định vị thế của mình. Theo nghiên cứu mới từ Sáng kiến Strive Women của CARE, 96% nữ doanh nhân được khảo sát đều rất tự tin về khả năng vận hành và phát triển doanh nghiệp của mình, 87% có mục tiêu phát triển doanh nghiệp cụ thể.
Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều rào cản về mặt hệ thống, như: 27% chia sẻ thiếu khả năng tiếp cận vốn để phát triển doanh nghiệp; 60% chỉ ra rằng lãi suất vay thấp hơn sẽ cải thiện khả năng sử dụng vốn từ nguồn chính thống. Một trong năm kỳ vọng về khoản vay là kỳ hạn vay dài hơn; 34% thiếu mạng lưới hỗ trợ đồng cấp để tiếp cận được những góp ý về việc kinh doanh.
Nghiên cứu mới từ Khối hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp của CARE cũng cho thấy, nữ doanh nhân rất tự tin vào khả năng và triển vọng của bản thân. Họ đưa ra quyết định về mở rộng cơ sở khách hàng, xây dựng mạng lưới nhà cung cấp và các quyết định kinh doanh quan trọng một cách rất chiến lược. Mức độ tự tin cao mà nữ doanh nhân thể hiện cho thấy tiềm năng kinh tế đáng kể.
Nghiên cứu này cũng cho thấy sự tự tin trực tiếp cải thiện kết quả kinh doanh và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thiếu các hệ thống và yếu tố thị trường để hỗ trợ, nữ doanh nhân vẫn gặp rào cản trong khai phóng toàn bộ tiềm năng của mình.
“Mặc dù phụ nữ làm kinh doanh phải đối mặt với nhiều rào cản, điều họ thiếu không phải là sự tự tin mà là sự hỗ trợ từ các hệ thống thị trường”, bà Sarah Hewitt, Giám đốc Sáng kiến Strive Women tại CARE, một chương trình hỗ trợ nữ doanh nhân tăng cường sự tự tin và khả năng kiểm soát, xây dựng sức bền tài chính và cải thiện chất lượng cuộc sống, cho biết.
“Quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ cần tự tin hơn là sai lầm. Có hàng trăm triệu phụ nữ trên toàn thế giới hiện đang kiên cường dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ một cách có mục đích, cùng lúc vượt qua sự phân biệt giới và các rào cản hệ thống. Điều thực sự cần thay đổi là các hệ thống hiện đang giới hạn tiềm năng của họ"- bà Sarah Hewitt nói.