Nữ GS nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2023: 28 năm miệt mài nghiên cứu khoa học

Admin
(Chinhphu.vn) - GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, là một trong những Nhà giáo ưu tú, tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1985. Đây là giải thưởng được trao thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Với GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, giải thưởng là minh chứng cho những đóng góp không ngừng nghỉ của giáo sư trong hơn 28 năm cống hiến cho khoa học.

Khẳng định vị thế trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế

Hơn 28 năm qua, nữ giáo sư đã công bố 148 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; trong đó, có 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus. Với 92 bài là tác giả chính, bao gồm 12 bài báo ISI/Scopus, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Theo chia sẻ của cô Hòa, từ tháng 5/1995, cô bắt đầu làm giảng viên của Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế, cho đến nay, cô đã chủ trì 19 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài hợp tác quốc tế, 1 đề tài quốc gia, 4 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp huyện, 8 đề tài cấp cơ sở, đồng thời là Thư ký khoa học của 1 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài hợp tác quốc tế, trưởng hợp phần nhánh 2 đề tài hợp tác quốc tế, là trưởng 1 nhóm nghiên cứu cấp ĐH Huế.

Cô cũng là tác giả của 12 giáo trình, sách chuyên khảo và tham khảo, trong đó là tác giả chính của 4 giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 1 sách tham khảo.

Nữ giáo sư đã chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao. Cô có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ; 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.

Bên cạnh đó, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cũng đã tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH, đặc biệt là xây dựng thành công chương trình thạc sĩ song ngữ về sinh thái nông nghiệp giữa Trường ĐH Nông lâm và các Trường ĐH ở châu Á đang tuyển sinh để đào tạo.

Với những thành tích đạt được trong nghiên cứu khoa học và làm công tác quản lý, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua, giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (liên tục từ 2012-2020); danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ (năm 2010, 2019); 2 lần được nhận bằng khen của Thủ tướng (năm 2017, 2021); 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (năm 2014, 2020), 2 lần nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (năm 2017, 2023), 9 giải thưởng cấp quốc gia và tỉnh, 5 bằng lao động sáng tạo...

Hướng nghiên cứu chính mà GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa theo đuổi là quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Trong đó, lĩnh vực tập trung là nghiên cứu độ phì nhiêu của đất và xây dựng quy trình sản xuất, sử dụng phân bón cho cây trồng ở miền Trung. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại miền Trung Việt Nam, đã được đưa vào sử dụng trong thực tế. 

Đồng thời, tập trung vào ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

Nhớ lại chặng đường 28 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ, đề tài tâm đắc nhất của cô là nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Với đề tài này đã được áp dụng rất hiệu quả vào đời sống, đặc biệt là đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp, tạo ra nguồn phân hữu cơ có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn khi bước chân vào nghiên cứu khoa học

Không chỉ nổi bật về nghiên cứu khoa học, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, với vai trò là một Trưởng khoa, một giảng viên, cô luôn đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu và hoàn thành vượt định mức công việc giảng dạy được giao; hướng dẫn tận tâm, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Đổi mới trong quản lý và giảng dạy là vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Cô Hòa đã chỉ đạo cho các bộ môn thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua các buổi tập huấn, dự giờ và trình bày kết quả khoa học, đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức mới vào bài giảng, thay đổi phương pháp dạy và hướng dẫn sinh viên thay đổi phương pháp học tập, sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nhằm phát huy tính sáng tạo, năng động, tự học của sinh viên.

Bên cạnh đó, cô Hòa cũng tham gia góp ý và thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở ĐH là lấy người học làm trung tâm, tăng cường thực hành môn học, thực tập nghề nghiệp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng cho người học. Thực hiện các biện pháp quản lý mềm dẻo, phù hợp với năng lực của thành viên trong khoa, khuyến khích viên chức và người học chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên trong suốt quá trình học tập và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Cô luôn mong muốn đưa các giảng viên trẻ trong khoa và trường có các cơ hội nghiên cứu khoa học tốt nhất, liên tục cố gắng chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn, giúp sản xuất cây trồng tốt hơn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Suốt chặng đường công tác của mình, nữ giáo sư còn miệt mài tham gia tập huấn cho nhiều nông dân nữ tại các địa phương miền Trung, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Qua đó, đóng góp công sức vào phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững tại các địa phương.

Theo GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào nghiên cứu khoa học. Đặc biệt các khó khăn về thời gian do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học.

Để nghiên cứu khoa học trước hết cần có sự đam mê, nhiệt huyệt, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Ngoài ra, để nghiên cứu khoa học thành công thì phải có được sự cộng tác của các nhà khoa học và các đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, do lĩnh vực nghiên cứu của GS. Hoà là trong nông nghiệp, nên phải tiến hành các thí nghiệm trong phòng, trong chậu và trên đồng ruộng.

Các nghiên cứu trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, nên không phải lúc nào các nghiên cứu cũng thành công và phải thực hiện lại mới đạt được kết quả mong muốn.

Ngoài ra còn gặp phải các khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu. Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra.

Vinh dự là một trong hai nhà khoa học nữ nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm nay, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ, "giải thưởng này không chỉ là của riêng cá nhân tôi, mà còn là của tất cả những người đã cống hiến, đồng hành và chia sẻ những khát vọng, ước mơ chung với tôi. Tôi muốn dành lời cảm ơn đặc biệt đến gia đình, người thân, thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè đã luôn khích lệ, yêu thương và chia sẻ niềm vui, nỗi trăn trở cùng tôi.

Giải thưởng này cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, không ngừng nỗ lực để đem đến những đóng góp ý nghĩa cho xã hội, cho đồng nghiệp và cho cộng đồng. Tôi sẽ không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng học hỏi, khám phá và sáng tạo để góp phần xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh và bền vững. Tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, dìu dắt thế hệ trẻ và vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam".

GS. Hoà cũng hy vọng rằng Giải thưởng Kovalevskaia sẽ tiếp tục được duy trì, nuôi dưỡng và luôn là giải thưởng danh giá, truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nữ nỗ lực nghiên cứu, cống hiến cho đất nước và mong muốn được Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, ban hành các chính sách đặc thù để chị em phụ nữ làm công tác khoa học cũng như các tầng lớp phụ nữ được phát triển toàn diện và phát huy vai trò của mình. 

Chia sẻ về mong muốn của bản thân trong thời gian tới, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cho biết, bản thân sẽ tiếp tục có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, truyền niềm đam mê nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên, từ đó đóng góp và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên, cả nước và trong khu vực.

Phương Liên