Ô nhiễm môi trường nhà máy nhiệt điện: Người dân phản ánh có, tổ giám sát nói không

Admin
Người dân kêu trời khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong gây ô nhiễm bãi xỉ. Chịu thiệt hại nặng nhất là khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân.

Thời gian qua, người dân "kêu trời" khi Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong gây ô nhiễm bãi xỉ. Chịu thiệt hại nặng nhất là khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân. Khu dân cư này nằm ngay dưới bãi xỉ khổng lồ, cách nhà máy chưa đầy 1km. Mỗi khi có gió lớn, người dân phải hứng chịu những trận "bão xỉ" mù mịt. Nhà nào cũng phải suốt ngày đóng cửa.

Chiều ngày 23/7, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 3706/STNMT-VP thông tin tới các cơ quan báo chí về việc bãi tro xỉ gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Đặt camera giám sát hoạt động bãi xỉ

Theo nội dung Công văn số 3706/STNMT-VP của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân hiện có 2 bãi xỉ, gồm: bãi thải tro, xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 1 với diện tích 59,5ha và bãi thải tro, xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 2 với diện tích 38,3 ha (sử dụng chung cho NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng).

Việc kiểm soát bụi có thể phát sinh từ các bãi xỉ luôn được các nhà máy quan tâm thực hiện theo quy trình. Các ô chứa tiếp nhận đầy tro, xỉ được lu, đầm, nén và bê tông hóa; các ô chứa đang tiếp nhận tro, xỉ luôn được duy trì việc vận hành hệ thống tưới nước, dập bụi bằng các vòi phun tự động; sử dụng lưới trải chống phát tán bụi trên bề mặt theo từng lớp. 

Đồng thời, lắp đặt camera giám sát quá trình hoạt động bãi xỉ và truyền hình ảnh về cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, giám sát 24/24; lắp đặt trạm quan trắc đo tốc độ gió, nhiệt độ; bố trí nhân viên trực ca 24/24 để theo dõi, tưới nước giữ ẩm, xử lý kịp thời khi thời tiết bất thường;...

Việc quản lý bãi xỉ thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư các nhà máy, có sự giám sát định kỳ của tổ công tác do tỉnh thành lập.

Ô nhiễm môi trường nhà máy nhiệt điện: Người dân phản ánh có, tổ giám sát nói không- Ảnh 1.

Mô hình nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Hiện nay, phần lớn tro, xỉ từ các nhà máy được cung cấp trực tiếp cho các tổ chức có nhu cầu tiêu thụ sử dụng làm vật liệu xây dựng không nung, phụ liệu sản xuất xi măng,... và được vận chuyển bằng tàu biển thông qua các bến cảng tại khu vực; khối lượng tro, xỉ còn lại chưa tiêu thụ hết trong ngày chiếm từ 10 - 13% tổng lượng khối phát sinh thì được chôn lấp tại bãi xỉ.

Ngoài ra, tại khu vực bãi thải NMNĐ Vĩnh Tân 2 đang đầu tư, đặt dây chuyền phân tách tro, xỉ với công suất 500.000 m3/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024 để giải phóng lượng tro, xỉ đang tồn đọng tại bãi xỉ.

Người dân muốn di dời chỗ ở

Qua theo dõi, giám sát của các tổ công tác do UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, những năm gần đây không có sự xuất hiện việc phát tán bụi, "bão xỉ" mù mịt từ các bãi xỉ như nội dung đã phản ánh.

Gần đây, tổ công tác của tỉnh có tiếp nhận phản ánh bụi tại một số nhà dân sống gần khu vực giáp ranh tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân vào khoảng thời gian từ ngày 18/02/2024 đến 20/02/2024 và ngày 25/3/2024. Các ngày này có gió giật mạnh từ phía biển vào mang theo bụi than. Thời điểm này, người dân quét sân, nền lan can vào buổi sáng sớm ghi nhận, phản ánh với chính quyền địa phương và tổ công tác.

Sau đó, tổ công tác đã khảo sát, nắm bắt thông tin, yêu cầu các nhà máy tăng cường tưới nước giữ ẩm tại các kho than trong những ngày gió lớn hướng về khu dân cư thôn Vĩnh Phúc. Qua ghi nhận ý kiến của một số hộ dân tại khu vực có mong muốn được sớm di dời đến nơi ở mới, tạo khoảng cách ly vệ sinh đối với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Vấn đề này, những năm qua đã được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, di dời các hộ dân sinh sống giáp ranh Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.